Một cục thịt, ba bộ nhúng tay
“Một cục thịt khi chưa vào chợ thì Bộ NN&PTNT quản lý, khi đã vào chợ lại thuộc Bộ Công Thương. Chưa hết, khi đưa vào chế biến, nếu cóliên quan đến y tế thì Bộ Y tế quản lý”.
Thông tin trên được ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, đưa ra trong buổi làm việc thứ hai tại diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội tổ chức từ ngày 21 đến 22-9.
Theo ông Báu, việc quản lý chồng chéo gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, nếu đụng chuyện liên quan đến cục thịt thì ba bộ sẽ đổ lỗi cho nhau. “Do vậy, cần thiết lập một cơ quan quản lý xuyên suốt về ATTP” - ông Báu đề xuất.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP không đồng bộ, chồng chéo nên mỗi cơ sở sản xuất thực phẩm chịu sự kiểm soát của ít nhất năm cơ quan về ATTP. “Riêng Bộ NN&PTNT có tới bảy cơ quan có chức năng kiểm soát về ATTP. Mặc dù kiểm tra, thanh tra nhiều như thế nhưng thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn chịu hậu quả” - ông Cương nói.
Ông Cương đề xuất: “Để tránh quản lý chồng chéo, Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm soát thực phẩm chế biến sẵn và ăn liền nhập khẩu. Bộ này cũng có trách nhiệm kiểm soát thực phẩm sản xuất trong nước đang lưu thông ngoài thị trường. Bộ Công Thương kiểm soát thực phẩm giả. Riêng Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm kiểm soát thực phẩm tươi sống và đông lạnh nhập khẩu dùng làm nguyên liệu chế biến…”.
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM