Một bác sĩ tử vong dù được điều trị bằng thuốc Ebola thử nghiệm
(Dân trí) - Một bác sĩ người Liberia được điều trị bằng huyết thanh ZMapp - loại thuốc Ebola thử nghiệm của Mỹ - đã tử vong vì căn bệnh này.
Tình trạng của bác sĩ Abraham Borbor đã có cải thiện, nhưng cuối cùng ông đã qua đời vào đêm Chủ nhật vừa qua.
Hai nhân viên y tế khác được nhận huyết thanh này vẫn đang được điều trị và “có những dấu hiệu đáng hy vọng”.
Hôm thứ Năm tuần trước Tổ chức y tế thế giới (WHO) thông báo có sự “cải thiện đáng kể” trong tình trạng bệnh của một bác sĩ và y tá được điều trị bằng ZMapp ở Liberia, và một bác sĩ khác có tiến triển tốt, nhưng vẫn đang trong tình trạng nặng.
Theo nhà sản xuất thì lượng thuốc ZMapp ít ỏi đã được dùng hết. Thuốc này trước đó chưa từng được thử nghiệm trên người.
Hiện chưa có thuốc hoặc vắc xin điều trị Ebola, nhưng một số thuốc đang được nghiên cứu.
Ngày hôm qua Tokyo cho biết đã sẵn sàng cung cấp một thuốc thử nghiệm do một công ty Nhật nghiên cứu để giúp ngăn chặn dịch Ebola.
Thuốc Avigan có dạng viên nén đã được phê chuẩn dùng làm thuốc chống cúm ở Nhật hồi tháng Ba và hiện đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ.
WHO gửi trang thiết bị bảo hộ giúp dập dịch ở Congo
WHO cho biết đã gửi trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tới Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi chính quyền đã xác nhận 2 trường hợp Ebola ở một vùng hẻo lánh.
Cộng hòa dân chủ Congo đã tuyên bố dịch Ebola tại tỉnh Equateur, miền nam nước này hôm Chủ nhật sau khi 2 trong số 8 mẫu xét nghiệm lấy từ bệnh nhân bị sốt không rõ nguyên nhân cho kết quả dương tính với Ebola.
Đây là vụ dịch Ebola thứ bảy ở CHDC Congo, nơi vi rút được xác định đầu tiền vào năm 1976 gần sông Ebola. Nhưng 2 trường hợp bệnh nhân mới này bị nhiễm những chủng vi rút khác nhau và không liên quan với vụ dịch đang diễn ra ở Tây Phi.
Chính quyền đã ngay lập tức áp đặt lệnh kiểm dịch xung quanh khu vực bị ảnh hưởng ở tỉnh Equateur, nằm cách thủ đô Kinshasa 1.200km.
Những thông tin đáng ngại về sự lan tràn của Ebola diễn ra trong lúc WHO đang đẩy mạnh những nỗ lực ngăn chặn loại vi rút chết người đã khiến 2.600 người mắc bệnh và 1.427 tử vong này.
Không có ca bệnh Ebola nào ở các nước láng giềng với Campuchia
BS. Li Sovann, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh dịch của Bộ Y tế Campuchia phủ nhận những báo cáo cho rằng bệnh Ebola đã lan tới những nước có chung đường biên giới với Campuchia.
Ông cho biết gần đây có một số bệnh nhân ở Việt Nam, Thái Lan và Myanmar bị nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola chết người, nhưng sau khi được kiểm tra và theo dõi 24 giờ, tất cả những người này đều đã được phép ra viện.
Cho đến nay Campuchia chưa có trường hợp nào nghi nhiễm Ebola.
Cẩm Tú
Tổng hợp