Mỗi ngày uống 1 lít rượu, người đàn ông 38 tuổi bị ho ra máu

Hà An

(Dân trí) - Bệnh nhân ở Cẩm Khê (Phú Thọ) nhập viện sau khoảng 7 ngày có biểu hiện đau họng, ho ra máu, đau tức ngực… Các bác sĩ nghi ngờ anh bị ung thư xoang lê, một vị trí của vùng hạ họng.

Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), tiếp nhận bệnh nhân nam, 38 tuổi (Cẩm Khê, Phú Thọ) nhập viện vì lý do đau họng, ho ra máu.

Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu, uống khoảng 1 lít mỗi ngày. Khoảng 7 ngày nay, bệnh nhân ho nhiều từng cơn, khạc ra máu đỏ tươi lẫn đờm số lượng khoảng 10ml mỗi lần, đau tức ngực nhiều, cảm giác khó thở kèm đau họng nhiều, nuốt đau tăng, ăn uống kém... Ở nhà, anh tự dùng thuốc không đỡ nên vào viện.

Mỗi ngày uống 1 lít rượu, người đàn ông 38 tuổi bị ho ra máu - 1

Rượu được xếp vào nhóm chất gây nên 7 bệnh ung thư (Ảnh minh họa: H.K).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm, mệt nhiều, thể trạng gầy, da sạm, củng mạc mắt vàng, run tay, đau họng nhiều, nuốt đau, ho từng tiếng, khạc đờm ít dây máu đỏ. Kết quả nội soi tai mũi họng cho kết quả u xoang lê phải, theo dõi carcinoma (ung thư biểu mô).

Bệnh nhân được chỉ định chuyển tuyến trên điều trị, nghi ngờ ung thư xoang lê. Xoang lê là một vị trí của vùng hạ họng.

Bác sĩ Mai Thị Hạnh, khoa Nội tổng hợp, cho biết, với bệnh nhân này, hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên khối u ở xoang lê nhưng rượu có thể là yếu tố liên quan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu được xếp vào nhóm chất gây nên 7 bệnh ung thư như ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, gan, thực quản, đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ.

Theo WHO, nguyên nhân là do khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan trở thành các hợp chất mới, dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, chất này tấn công DNA làm sinh sôi các tế bào ung thư.

Thêm vào đó, nếu càng uống nhiều rượu, hàm lượng acetaldehyde trong nước bọt sẽ càng gia tăng, góp phần làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, vòm họng, thực quản và đường hô hấp. Do đó, người lạm dụng rượu nhiều năm có nguy cơ ung thư cao hơn so với người bình thường.

Tại sao rượu có thể có hại?

Theo WebMD, rượu xâm nhập vào tế bào của bạn một cách dễ dàng. Nó có thể làm hỏng DNA và tạo ra những thay đổi khác nhau trong cơ thể.

- Hóa chất độc hại: Khi cơ thể phá vỡ ethanol trong rượu, nó sẽ tạo ra một hợp chất được cho là gây ung thư.

- Đột biến DNA: Rượu có thể gây kích ứng và làm viêm các cơ quan và mô của bạn. Khi cơ thể cố gắng tự sửa chữa, nó có thể tạo ra những sai lầm trong DNA của bạn khiến các tế bào ung thư phát triển.

- Nội tiết tố: Rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ, có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư.

- Các chất dinh dưỡng: Rượu làm cho cơ thể kém khả năng hấp thụ các vitamin quan trọng và các chất dinh dưỡng khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Chúng bao gồm folate, một loại vitamin B.

- Tăng cân: Rượu chứa rất nhiều calo. Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến nhiều loại ung thư.

Để bảo đảm sức khỏe, người dân nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Mỗi ngày uống 1 lít rượu, người đàn ông 38 tuổi bị ho ra máu - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm