Mỗi năm có 20.000 người tử vong vì lao
(Dân trí) – Con số trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình Chống lao quốc gia trong hai ngày 27 - 28/7. Việt Nam hiện đứng thứ 13/22 nước có số người mắc lao cao nhất thế giới với 221.000 người mắc lao.
Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới dao động trong khoảng 70/100.000 dân. Trong đó, khu vực phát hiện cao nhất trên cả nước là đồng bằng sông Cửu Long, với tỷ lệ AFB(+) mới là khoảng 100/100.000 dân và các bệnh lao thể khác khoảng 150/100.000 dân.
Khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ bệnh thấp nhất với tỷ lệ phát hiện AFB(+) mới khoảng 40-60/100.000 dân. Tỷ lệ phát hiện AFB (+) gặp cao nhất ở lứa tuổi từ 55 – 64, sau đó đến nhóm trên 65 tuổi.
Các tỉnh có tỷ lệ lao phổi AFB (-) và lao ngoài phổi cao nhất thuộc các tỉnh phía bắc, chiếm tới 40% tổng số bệnh nhân của khu vực. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ thu nhận lao phổi AFB (-) cao vượt quá 40% là Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Nguyên....
Trong giai đoạn 2001-2005, chương trình Chống lao quốc gia đã duy trì được kết quả phát hiện hơn 70% bệnh nhân lao và điều trị khỏi cho ít nhất 85% nguồn lây được phát hiện (đạt được mục tiêu do WHO đề ra). Đặc biệt, chương trình chống lao đã đảm bảo 100% dân số được tiếp cận và bảo vệ.
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cho biết, hiện chương trình chống lao đã có đủ các điều kiện: mạng lưới chống lao rộng khắp, thuốc men cung cấp đầy đủ, chương trình đã bao phủ 100% các xã phường. Tuy nhiên, dự án mới chỉ triển khai ở 207/672 (30%) huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Do vậy, để chương trình phòng chống lao hoạt động hiệu quả hơn, cần rút kinh nghiệm triển khai và có kế hoạch nhân rộng ra các huyện khác.
Hồng Hải