Vòng nguyệt quế dành cho những cống hiến thầm lặng

(Dân trí) - “Được nhận giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, chúng tôi rất xúc động, bởi lẽ những người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là những người làm việc âm thầm, lặng lẽ. Trong số đó, kể cả chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình nhận được các giải thưởng”.

GS Nguyễn Văn Đỗ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ niềm vui khi vừa nhận giải thưởng “Nhân tài Đất Việt năm 2011” cùng GS Trần Đức Thiệp Chủ tịch Hội hạt nhân Việt Nam với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”.
 
Vòng nguyệt quế dành cho những cống hiến thầm lặng - 1
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu
 trao giải thưởng cho 2 nhà khoa học GS.TS Trần Đức Thiệp và GS.TS Nguyễn Văn Đỗ.

Xúc động khi được nhận giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, GS Nguyễn Văn Đỗ chia sẻ: “Nghiên cứu Vật lý hạt nhân rất cần thiết bị hiện đại, đắt tiền. Khi chúng tôi chọn nghề này để theo đuổi vẫn biết rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng để thực hiện niềm đam mê, chúng tôi chọn cách nghiên cứu riêng cho mình. Tôi rất xúc động khi nhận giải thưởng vì chưa bao giờ chúng tôi làm việc và nghĩ sẽ được nhận giải thưởng và vinh danh. Xúc động bởi Hội đồng chấm giải Nhân tài Đất Việt đã biết đến chúng tôi. Bởi lẽ những người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là những người làm việc âm thầm, lặng lẽ. Trong số đó, kể cả chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình nhận được giải thưởng này”.

“Việc trao giải thưởng vinh danh Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực khoa học tự nhiên 3 năm qua, động viên rất lớn đến bản thân chúng tôi nói riêng và cũng là điều kiện tốt động viên rất lớn tới cộng đồng làm khoa học tự nhiên nói chung. Tôi hy vọng Việt Nam có nhiều nhân tài và mong muốn những người tài đó được Hội đồng giải thưởng phát hiện và vinh danh” – GS Đỗ cho biết.

Cùng tâm trạng với GS Đỗ, GS Trần Đức Thiệp, không giấu được niềm vui khi nhận giải thưởng. “Khi nghiên cứu khoa học, chúng tôi chỉ biết âm thầm làm việc. Chúng tôi rất vui khi làm việc với nhiều cộng sự rất đoàn kết, chăm chỉ với công việc. Hôm nay được nhận giải thưởng này chúng tôi rất phấn khởi và thấy rằng đây là giải động viên những người tận tụy hy sinh trong công việc. Đặc biệt những người làm trong ngành Vật lý rất vất vả, và ngành Vật lý hạt nhân lại vất vả hơn nhiều, đòi hỏi phải có thiết bị nhưng chúng ta chưa có điều kiện đó” – GS Thiệp cho biết.

Tâm sự về công việc nghiên cứu khoa học, GS Thiệp cho hay: “Chúng tôi may mắn được làm việc 2 máy gia tốc từ năm 1982 của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được Viện sĩ ở Nga trao tặng. Ở máy gia tốc, chúng tôi thực hiện nhiều nghiên cứu đặc biệt như nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản. Có những thí nghiệm có thể nói lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam dựa trên thiết bị này. Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản, chúng tôi triển khai những nghiên cứu ứng dụng phân tích các hàm lượng nguyên tố phục vụ như thăm dò địa chất, phân tích các loại quặng, hợp kim. Thậm chí phân tích cả protein trong ngũ cốc và thực phẩm”.
 
Vòng nguyệt quế dành cho những cống hiến thầm lặng - 2
GS Nguyễn Văn Đỗ (trái) và GS Trần Đức Thiệp
 
Được biết, những công trình GS Thiệp đã tiến hành thành công các nghiên cứu về phản ứng hạt nhân với nơtron, phản ứng quang phân hạch và quang hạt nhân trong vùng cộng hưởng lưỡng cực khổng lồ sử dụng các máy gia tốc điện tử như Microtron và gia tốc thẳng. Khai thác hiệu quả hai thiết bị gia tốc đầu tiên của Việt Nam là máy phát nơtron NA-3-C và Microtron MT-17 trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực.
 
Trên cơ sở các thiết bị này và một số thiết bị khác đã tiến hành thành công những nghiên cứu cơ bản thực nghiệm đầu tiên về phản ứng hạt nhân ở Việt Nam cũng như xây dựng được nhiều quy trình phân tích kích hoạt và phân tích huỳnh quang tia X các đối tượng khác nhau như hàm lượng protein trong ngũ cốc, đơn và đa nguyên tố trong các mẫu địa chất... GS Thiệp hiện là Chủ tịch Hội Hạt nhân VN, Ủy viên Hội đồng chức danh GS ngành Vật lý, Ủy viên Ủy ban Máy gia tốc tương lai Châu Á và Ủy viên Hội đồng Diễn đàn nghiên cứu bức xạ Synchorotron Châu Á – Đại dương. GS đã chủ trì và tham gia thực hiện thành công trên 20 đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Đã công bố trên 130 công trình khoa học trên các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia.

GS Nguyễn Văn Đỗ hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý, Ủy viên Ban biên tập tạp chí Communnications in Physics; Ủy viên Ủy ban Số liệu hạt nhân Quốc tế, thuộc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA). GS đã công bố trên 130 bài báo và báo cáo khoa học. Một số lĩnh vực nghiên cứu chính của GS là nghiên cứu các phản ứng hạt nhân sinh nhiều hạt, có cơ chế phản ứng phức tạp: Spallation, Fragmentation, và Fission (với các hạt nhân tiền actinit) trong vùng năng lượng GeV; N/C phản ứng hạt nhân trên các máy gia tốc năng lượng thấp và trung bình: N/C phản ứng quang hạt nhân và quang phân hạch với bức xạ hãm năng lượng cực đại ≤ 100 MeV; N/C phản ứng hạt nhân với nơtron 14 MeV, nơtron nhiệt và nơtron cộng hưởng; Nghiên cứu số liệu hạt nhân với quang nơtron và bức xạ hãm (đặc biệt là ngyuồn bức xạ hãm năng lượng trong giải từ sau vùng công hưởng khổng lồ tới 2,5 GeV); N/C năng phổ hạt nhân, phương pháp và kỹ thuật hạt nhân thực nghiệm; N/C phát triển các phương pháp phân tích hạt nhân hiện đại (kích hoạt nơtron và photon, Phân tích huỳnh quang tia X, Phân tích Urani cân bằng và không cân bằng phóng xạ, RBS, AMS) và triển khai ứng dụng phục vụ nghiên cứu và sản xuất.

Tại buổi lễ trao giải “Nhân tài Đất Việt” GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: “Cách đây không lâu, Chính phủ đã ký quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện đất nước còn nhỏ bé, nghèo khó và vì thế việc đào tạo nhân lực là nhiệm vụ số 1 hiện nay. Rất may, Việt Nam có 2 nhà khoa học cực kỳ tâm huyết và nổi tiếng trong cả nước cũng như trên thế giới. Hội đồng khoa học chúng tôi muốn xướng tên 2 nhà khoa học này để Chính phủ huy động cùng phát triển xây dựng nhà máy điện hạt nhân.”

GS.VS Hiệu nhấn mạnh, mặc dù điều kiện làm việc của 2 nhà khoa học không được quan tâm, làm việc trên những máy móc cũ mà nước bạn tặng từ năm 1982 nhưng 2 ông vẫn say mê cống hiến hết mình cho lĩnh vực Khoa học tự nhiên Việt Nam.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm