1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miễn dịch với Covid-19 kéo dài bao lâu?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Một số bệnh, như bệnh sởi, sẽ chỉ nhiễm một lần và cho chúng ta khả năng miễn dịch suốt đời. Đối với những bệnh khác, như cúm, chúng ta phải tiêm ngừa năm này qua năm khác.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.
Miễn dịch với Covid-19 kéo dài bao lâu? - 1

Tiêm vắc xin khi còn nhỏ có thể bảo vệ chống lại một số bệnh suốt đời.

Vậy tại sao chúng ta lại phát triển miễn dịch suốt đời đối với một số bệnh mà không phải với những bệnh khác? Và virus corona mới sẽ nằm ở đâu giữa những khả năng này?

Việc chúng ta có hình thành miễn dịch đối với một bệnh nào đó hay không sẽ phụ thuộc vào các kháng thể, là những protein mà cơ thể sản sinh ra để phản ứng với nhiễm trùng.

Kháng thể là một trong những hệ thống phòng thủ nổi tiếng nhất của cơ thể: Chúng bao phủ các tế bào xâm nhập và trong trường hợp lý tưởng, chúng ngăn chặn những kẻ xâm lược đó chiếm đoạt tế bào và nhân lên. Sau khi loại bỏ nhiễm trùng, lượng kháng thể thường giảm đi, nhưng ít nhất nó vẫn tồn tại với một lượng nhất định, sẵn sàng tăng cường sản xuất trở lại nếu căn bệnh đó lại tấn công lần nữa. Đó là lý do tại sao xét nghiệm kháng thể có thể cho biết liệu bạn đã bị nhiễm bệnh trong quá khứ hay chưa. Đó cũng là điều giúp chúng ta không bị bệnh lần thứ hai - thường là vậy.

Marc Jenkins, nhà miễn dịch học tại Đại học Y Minnesota, cho biết: “Cơ thể không thực sự quên. Thông thường, khi chúng ta bị tái nhiễm một bệnh, thì đó không phải là do cơ thể mất khả năng miễn dịch. Chúng ta bị tái nhiễm hoặc vì mầm bệnh đã đột biến và hệ thống miễn dịch không còn nhận ra nó, hoặc vì cơ thể có xu hướng đáp ứng miễn dịch thấp hơn nhiều”, ông nói.

Ví dụ như cúm. Đây là một virus có thể thay đổi bộ gen một cách dễ dàng. Khi hệ miễn dịch tiêu diệt được một phiên bản này của vi rút, thì một phiên bản khác lại xuất hiện mà hệ thống miễn dịch của chúng ta không nhận ra. Không phải tất cả các loại virus đều biến đổi dễ dàng như vậy. Ví dụ, virus bại liệt không thể dễ dàng thay đổi bộ gen của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta đã rất thành công trong việc (gần như) xóa sổ căn bệnh này.

Cảm lạnh thông thường và các loại virus khác thường không vượt qua được đường hô hấp trên, tái nhiễm không nhất thiết là vì chúng biến đổi nhanh, mà vì cơ thể chúng ta thường không tạo ra nhiều kháng thể chống lại những mầm bệnh này ngay từ đầu.

Mark Slifka, chuyên gia miễn dịch tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Oregon, nói: “Cơ thể không lo lắng về đường hô hấp trên. Đó là những gì chúng ta đang thấy với các trường hợp COVID-19 nhẹ. Virus bám vào đường hô hấp trên, nơi cơ thể không coi nó như một mối đe dọa. Trong một nghiên cứu chưa xuất bản năm 2020 (nghĩa là chưa được bình duyệt)được công bố trong cơ sở dữ liệu MedRxiv, 10 trong số 175 bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ đã hồi phục sau Covid-19 mà không phát triển các kháng thể có thể phát hiện được.

Với những bệnh không thuộc một trong hai loại này - có nghĩa là chúng không đột biến nhanh chóng và thường tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh - thì miễn dịch có xu hướng kéo dài hơn.

Một nghiên cứu năm 2007 công bố trên tờ New England Journal of Medicne cho thấy sẽ mất hơn 200 năm để thậm chí một nửa số kháng thể của bạn biến mất sau khi bị nhiễm sởi hoặc quai bị. Nghiên cứu này cũng cho kết quả tương tự với virus Epstein-Barr, virus gây tăng bạch cầu đơn nhân. Tuy nhiên, đáp ứng kháng thể không phải lúc nào cũng kéo dài suốt đời.

Cũng nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta mất khoảng 50 năm để mất một nửa số kháng thể thủy đậu và 11 năm để mất một nửa số kháng thể uốn ván. Điều đó có nghĩa là nếu không được tiêm nhắc lại, về mặt lý thuyết bạn có thể bị nhiễm một trong những căn bệnh này khi trưởng thành.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao chúng ta duy trì phản ứng kháng thể lâu hơn đối với một số bệnh này so với những bệnh khác. Có thể một số trong đó là những bệnh phổ biến hơn, chẳng hạn như thủy đậu và tăng bạch cầu đơn nhân, thực ra tái nhiễm thường xuyên hơn chúng ta nhận ra, nhưng các kháng thể đã tiêu diệt bệnh trước khi chúng ta nhận thấy. Và trong những trường hợp đó, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động hết công suất hết lần này đến lần khác vì các đợt tái nhiễm. Jenkins lưu ý: Điều này duy trì tính cảnh giác miễn dịch. Ngược lại, "với uốn ván, chúng ta có lẽ rất hiếm khi bị phơi nhiễm, chúng ta không thường xuyên giẫm lên đinh [bẩn]."

Một số nhà khoa học khác chỉ ra rằng hệ miễn dịch của con người được huấn luyện để nhắm mục tiêu là những mầm bệnh có "dáng vẻ" nhất định, Slifka nói.

Vi khuẩn và virus thường là đối xứng với một mô hình lặp đi lặp lại của các protein trên bề mặt. (Ví dụ Covid-19 - một quả bóng với các gai cách đều nhau.) Một giả thuyết cho rằng chúng ta tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn và lâu dài hơn đối với các mầm bệnh có vẻ ngoài lặp đi lặp lại nhiều hơn.

Ví dụ, các kháng thể mà cơ thể sản sinh chống lại virus đậu mùa có cấu trúc lặp lại cao, tồn tại suốt đời. Uốn ván, tuy nhiên, không lặp đi lặp lại. Độc tố do vi khuẩn uốn ván tạo ra khiến chúng ta bị bệnh, chứ không phải bản thân vi khuẩn. Dựa trên lý thuyết này, có lẽ cơ thể chúng ta không được huấn luyện bài bản để nhắm mục tiêu là những protein đơn lẻ, bất đối xứng.

Vậy, liệu khả năng miễn dịch với virus corona mới - dù là từ nhiễm trùng hay vắc xin - sẽ tồn tại lâu dài giống như miễn dịch với bệnh đậu mùa, hay chúng ta sẽ cần một vắc xin mới hàng năm? Mặc dù đúng là một số người không tạo ra đáp ứng kháng thể mạnh, Jenkins vẫn hy vọng vào miễn dịch lâu dài. 

Tất cả các bằng chứng về nhiễm trùng tự nhiên và từ các thử nghiệm vắc xin đều cho thấy hầu hết mọi người tạo ra các kháng thể trung hòa, loại kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào. Và không giống như cúm, SARS-CoV-2 không đột biến nhanh chóng, Jenkins lưu ý.

Jenkins cho biết: “Loại virus này có các đặc điểm của virus mà chúng ta đã rất thành công trong việc tiêm chủng”.