1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miền Bắc trời trở rét, liệu vi rút Zika có lưu hành?

Ngày 8/11, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cảnh báo, thời tiết miền Bắc đang trở lạnh, mật độ muỗi vằn có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virus Zika.


Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do vi rút Zika

Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do vi rút Zika

Hiện nay ở nước ta đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó chủ yếu là ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Nhiều người thắc mắc, vi rút này chỉ trập trung ở phía Nam, vậy ở phía Bắc, người dân có phải tìm cách phòng chống? Hơn nữa, các tỉnh miền Bắc đang chuyển rét, liệu vi rút này có lưu hành?

Bác sỹ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên có muỗi vằn lưu hành thường xuyên với mật độ cao.

Hiện nay, cả nước có 6 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, và Phú Yên đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Mật độ muỗi vằn ở khu vực này lưu hành cao sẽ gia tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh Zika.

Hơn nữa, người nhiễm vi rút Zika thường không rõ triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ nên khó dự phòng muỗi đốt lây truyền vi rút Zika sang người lành.

Trước ý kiến cho rằng, miền Bắc không phải lo vi rút Zika vì đang vào mùa rét, nên loại muỗi truyền virus Zika không phát triển, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết, miền Bắc là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay, miền Bắc vẫn chưa phát hiện người nhiễm vi rút Zika do quần thể muỗi vằn chưa lây nhiễm vi rút này. Tuy nhiên, do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

“Hiện miền Bắc, thời tiết đang trở lạnh, mật độ muỗi vằn có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền vi rút Zika. Nếu bị đốt, vẫn có thể làm lan truyền virus Zika”, bác sỹ Phạm Hùng nói.

Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho biết, khoảng 60% đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng.

Một số dấu hiệu hiểu hiện nghi ngờ nhiễm virus Zika ở người dân nói chung và bà bầu nói riêng, bao gồm: Phát ban trên da, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt không mủ, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày.

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ kể cả thai phụ và thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do vi rút Zika.

Những nơi có thể xét nghiệm vi rút Zika

Hiện nay Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika tại phòng xét nghiệm tại các bệnh viện sau:

1. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, số 1 Yecxanh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

2. Viện Pasteur Nha Trang, số 8 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa.

3. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, 167 Pasteur, phường 8, quận 3, TP.HCM

4. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên,34 Phạm Hùng, phường Tân An,thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

5. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số 78, Đường Giải Phóng, Hà Nội.

6. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 764 Võ Văn Kiệt,Phường 1,Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa thực hiện được xét nghiệm tại chỗ, các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika sẽ được các đơn vị y tế dự phòng lấy mẫu và gửi về các Viện khu vực để thực hiện xét nghiệm.

Theo Diệu Thu

Dân Việt

Dòng sự kiện: Zika đã vào Việt Nam