1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miền Bắc sẽ căng thẳng hai đỉnh dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, sốt xuất huyết (SXH) năm nay đến sớm hơn rất nhiều. Thông thường miền Bắc từ tháng 9 – tháng 11 dịch SXH mới căng thẳng thì hiện tại, căn bệnh này cũng hoành hành, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái khiến bác sĩ “bởi hơi tai” điều trị bệnh nhân SXH.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện mỗi ngày bệnh viện khám trên 500 bệnh nhân, một nửa trong số này bị SXH. Hai tuần nay số người bệnh đến khám gia tăng nhiều, bệnh viện phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH vẫn không đủ đáp ứng.

Thông thường từ tháng 9 - tháng 11 miền Bắc mới vào dịch SXH thì năm nay, dịch bệnh đến sớm với số ca đến khám tại BV Nhiệt Đới Trung ương tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: H.Hải
Thông thường từ tháng 9 - tháng 11 miền Bắc mới vào dịch SXH thì năm nay, dịch bệnh đến sớm với số ca đến khám tại BV Nhiệt Đới Trung ương tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: H.Hải

“Với 10-20% người bệnh SXH phải nhập viện, đến gần một nửa bệnh viện là dành cho bệnh nhân SXH mà vẫn quá tải, phải chuyển sang cơ sở 2 và tuyến dưới”- ông Kính cho biết.

Có những gia đình cả nhà mắc bệnh, cả xóm trọ 7 người thì 5 người kéo nhau vào viện khám vì SXH, 2 người “thoát” SXH vì về quê.

Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), khoa phải dành cả phòng bệnh vốn điều trị cho người bệnh viêm gan để điều trị người bệnh SXH nhưng vẫn không đủ, phải ghép hai người bệnh một giường.

TS.BS Đỗ Duy Cường, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, số bệnh nhân SXH tăng vọt. Chỉ mới 20 ngày đầu tháng 7 mà số bệnh nhân đã gấp đôi của toàn tháng 6. Theo TS Cường, SXH ở Hà Nội đã leo lên đỉnh dịch, dù chưa vào mùa.

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết số bệnh nhân trong 20 ngày đầu tháng 7 đã gấp đôi tổng số ca SXH của tháng trước. Ảnh: M.T
TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết số bệnh nhân trong 20 ngày đầu tháng 7 đã gấp đôi tổng số ca SXH của tháng trước. Ảnh: M.T

Cùng chung nhận định này, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng dịch SXH đến sớm và tăng rất nhanh. Thông thường, Hà Nội sẽ căng thẳng SXH vào tháng 9 – 11, nhưng năm nay, mới giữa tháng 7 Hà Nội đã có đến trên 5.000 ca mắc SXH, trong đó hai người đã tử vong.

Theo PGS Kính, con số bệnh nhân chắc chắn chưa dừng lại bởi đang là đỉnh dịch đến sớm. Hơn nữa miền Bắc vẫn đang mưa liên tục. Kinh nghiệm cho thấy sau mưa nắng lên, muỗi ào ào phát triển, đẻ trứng, số bệnh nhân SXH sẽ lại tăng lên.

“So với cùng kỳ năm ngoái bệnh nhân SXH vào viện khám tăng 4 lần. Chúng tôi đang rất lo sợ ca bệnh vẫn tăng vèo vèo từ giờ đến tháng 9, rồi lại thời kỳ căng thẳng đỉnh dịch tháng 9 – tháng 11”, PGS Kính nói.

Theo các chuyên gia, SXH đến sớm vì mùa mưa đến sớm hơn. Hơn nữa ở Hà Nội các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi, môi trường sống khá tệ ở các khu nhà trọ là nguyên nhân dễ làm SXH lây lan. Thực tế kiểm tra tại các khu nhà trọ, công trường xây dựng tồn tại rất nhiều ổ bọ gậy do có nhiều vật dụng chứa nước đọng.

PGS Kính khuyến c áo, dịch SXH đang rất căng thẳng tại HN, cả phía nam. Bệnh nhân tăng nhnah miền bắc năm nay, có diễn biến bất thường, do khí hậu thay đổi. mưa tầm tã, sạt lở đất, càng mưa nhiều, càng gia tăng SXH.

Vì thế, mọi người cần nâng nâng cao cảnh giác phòng chống bệnh, ý thức dọn dẹp nhà cửa, môi trường xung quanh không để các vật dụng có thể chứa nước đọng từ vỏ chai, lon nước ngọt, lốp xe xếp ngoài vườn, bình cắm hoa lưu trữ quá 2 ngày… “Khi muỗi không còn nơi đẻ trứng sẽ không còn bọ gậy, không còn SXH”, BS Kính nói.

TS Cường khuyến cáo, khi bị sốt cao nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, theo dõi, test nhanh SXH. Việc chờ đợi rất nguy hiểm bởi SXH các dấu hiện trong những ngày đầu thường chỉ sốt cao, đau đầu giống với sốt vi rút thông thường. Nhưng từ ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5 sẽ rất nguy hiểm. Người bệnh đang sốt cao đột nghiên chân tay lạnh, đau bụng, vã mồ hôi… đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của SXH, có thể gây sốc, trụy mạch, chảy máu.

Nhất là các đối tượng trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mãn tính kèm theo khi sốt cao càng không được chủ quan, phải đến viện khám sớm và được theo dõi.

Hồng Hải