Men gan cao: Triệu chứng mơ hồ, khởi đầu của nhiều bệnh nguy hiểm
(Dân trí) - Ngày nay, tỷ lệ những người bị bệnh men gan cao đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa. Nam giới bị bệnh men gan cao chiếm phần lớn, nhiều hơn hẳn nữ giới.
Men gan là tên gọi chỉ các enzyme có trong tế bào gan, có tác dụng thực hiện hoạt động tổng hợp và chuyển hóa các chất. Các loại enzyme này gồm có SGOT(AST), SGPT(ALT), GGT, LDH và một số thông số khác. Khi có tổn thương gan, các men này tràn vào máu, làm tăng nồng độ men gan trong máu, báo hiệu gan đang bị tổn thương.
Men gan bình thường là men gan có các chỉ số xét nghiệm đạt:
AST: 20 - 40 UI/L
ALT: 20 - 40 UI/L
GGT: 20 - 40UI/L
Phosphatase kiềm: 30 - 110 UI/L
Khi gan bị tổn thương, các chỉ số này vượt ra khỏi ngưỡng an toàn. Thông thường người ta xác định men gan tăng từ 1-2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 -5 lần là ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng.
Triệu chứng của bệnh men gan cao
Bệnh men gan cao có rất ít triệu chứng, thông thường người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, hơi đau hạ sườn phải… nên thường chủ quan không lưu tâm. Đôi khi người bệnh không có bất kỳ một dấu hiệu nào của bệnh. Vì biểu hiện không rõ rệt nên người bệnh thường chủ quan, không đi khám, không có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý và ủ bệnh trong người.
Nhiều người vẫn dùng những chất có hại cho gan như rượu bia, thuốc lá, chất bảo quản gây hại… làm cho bệnh càng có cơ hội bùng phát mạnh ở giai đoạn tiếp theo. Nó có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng khác về gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh men gan cao
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh men gan cao nhưng trong đó viêm gan là nguyên nhân chính. Nồng độ của men gan thường tỷ lệ thuận với mức độ viêm nhiễm của gan. Viêm gan do rượu bia, do nhiễm virus viêm gan B, C… thường làm men gan tăng rất cao.
Các bệnh về đường mật như: sỏi đường dẫn mật, giun chui ống mật, viêm đường mật… cũng làm men gan tăng cao.
Ngoài ra có một số nguyên nhân khác không liên quan tới gan mật như các bệnh nhiễm khuẩn nặng (bệnh sởi, Rubella, nhiễm khuẩn huyết).
Thuốc tây cũng là một nguyên nhân gây men gan cao: ví dụ một số thuốc chống vi khuẩn lao (rifamixin, INH, …), thuốc thuộc nhóm fluoquinolon (ciprofloxacin), acetaminophen (paracetamol, tydol, efferalgan…).
Vì vậy trong thực tế, khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng, nhất là trường hợp men gan tăng cao là cần phải xem xét, cân nhắc kỹ càng, tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị hợp lý.