Mắc gan nhiễm mỡ cần lưu ý gì khi ăn trái cây?
(Dân trí) - Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ chỉ tình trạng tỷ lệ tích lũy của chất béo trong gan lớn hơn 5% trọng lượng của gan hoặc quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ.
Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh liên quan đến vấn đề ăn uống. Việc bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như các loại trái cây, rau củ là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lắng động mỡ ở gan và khắc phục tình trạng bệnh. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong lựa chọn đồ ăn thức uống, tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao.
GI là một chỉ số đánh giá khả năng hấp thụ và làm tăng nồng độ đường glucose trong máu của thức ăn. Khi ăn quá nhiều thực phẩm có GI cao sẽ làm tăng kháng insulin gây tích tụ mỡ trong cơ thể.
Dưa hấu và vải thiều là những loại trái cây có chỉ số GI cao. Hai loại quả này chứa nhiều đường tự nhiên, ăn quá nhiều có thể khiến đường huyết tăng, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Do đó, khi sử dụng các loại quả có GI cao như dưa hấu và vải thiều, cần cân nhắc khẩu phần ăn phù hợp.
Ví dụ một quả dưa hấu có giá trị GI là 80, một khẩu phần ăn là khoảng 250 gam, tương đương với 60 calo. Vải thiều có giá trị GI là 79. Trong mỗi khẩu phần 100 gam (khoảng 5 quả) lượng calo cũng là 60 calo. Lượng tiêu thụ mỗi ngày không nên vượt quá một khẩu phần.
Với bệnh gan nhiễm mỡ, để khôi phục các chức năng gan, cần kiểm soát chế độ ăn uống chặt chẽ. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng các loại thực phẩm và cách nấu nướng có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi insulin trong cơ thể, do vậy nên ưu tiên các loại thực phẩm có GI thấp và tránh các phương pháp chế biến tiêu hóa nhanh, để ngăn ngừa sự hình thành gan nhiễm mỡ.
Một số thực phẩm có GI thấp với chỉ số đường huyết dưới 55 được khuyên dùng như: yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, mì nguyên cám, cam, táo, đu đủ và dâu tây.