1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mê ăn vặt cổng trường, bé 8 tuổi tắc ruột vì nhiều khối bã thức ăn

Minh Nhật

(Dân trí) - Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhi, 8 tuổi, nhập viện trong tình trạng có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như: bụng trướng, đi đại tiện khó khăn.

Theo chia sẻ từ phía gia đình, trước đó gần 1 tháng, bệnh nhi đã có dấu hiệu đau tức ở vùng thượng vị nhưng gia đình nghĩ là ốm vặt nên không đưa trẻ đi khám.

Khi tình trạng nặng hơn, cháu bé được đưa vào Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa của Bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bán tắc ruột. Bệnh nhi bước đầu được chỉ định điều trị nội khoa. Trong quá trình điều trị nội khoa, các bác sĩ đã tiến hành nội soi dạ dày và đại tràng.

Mê ăn vặt cổng trường, bé 8 tuổi tắc ruột vì nhiều khối bã thức ăn - 1

Điều bất ngờ là trong quá trình nội soi ổ bụng, bác sĩ phát hiện suốt hơn 1 mét hỗng-hồi tràng của trẻ lấp đầy những khối bã lớn dai chắc.

Các khối bã gây tắc ruột này được kết cấu từ những bó sợi dai màu nâu đỏ tương tự như thịt bò, nai khô hoặc các loại que cay…được bày bán tràn lan trước các cổng trường.

Phía gia đình cháu bé cũng xác nhận, bệnh nhi thường xuyên ăn các món ăn vặt được bày bán ở cổng trường.

Sau 3 ngày điều trị nội khoa không thể cải thiện được tình trạng tắc ruột, cháu bé được chỉ định phẫu thuật. Ca mổ lấy bã thức ăn, sau đó, được thực hiện thành công. Hiện tại, thể trạng của bệnh nhi khá tốt và sắp được ra viện.

Mê ăn vặt cổng trường, bé 8 tuổi tắc ruột vì nhiều khối bã thức ăn - 2

Các khối bã gây tắc ruột này được kết cấu từ những bó sợi dai màu nâu đỏ tương tự như thịt bò, nai khô hoặc các loại que cay…được bày bán tràn lan trước các cổng trường.

Qua trường hợp này, BS Phan Ngọc Chúc, Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần có ý thức bảo vệ con trẻ trước những món đồ ăn vặt ướp hóa chất bảo quản được nhuộm màu bắt mắt, giá rẻ, cực kỳ hấp dẫn lứa tuổi học trò. Các món này thường được bày bán ở cổng trường, quán cóc vỉa hè, bởi hiển hiện nguy cơ lây truyền bệnh tật. Đáng chú ý là vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).

Theo BS Chúc, vi khuẩn HP xâm nhập sẽ ẩn nấp dưới lớp màng nhày, sau đó âm thầm hoạt động tiết ra các enzyme, NH3 và các độc tố CagA, VagA để trung hòa acid môi trường, phát triển và nhân lên, khiến lớp màng nhày bị tổn thương rồi lở loét do kích thích tăng tiết acid xói mòn, cơ thể bị nhiễm độc, suy dinh dưỡng thiếu máu thiếu sắt. 

Những ổ viêm loét không được phát hiện và điều trị đúng sẽ dần ăn sâu lan rộng, dẫn tới các biến chứng nặng nề như co kéo biến dạng, hẹp tắc, thậm chí lâm vào tình trạng cấp cứu như chảy máu, viêm phúc mạc do thủng ổ loét nguy hiểm tới tính mạng.

 Chức năng tiêu hóa bị rối loạn không những khiến cơ thể suy yếu do không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn không thể nghiền nát và phân giải được các hợp chất, đặc biệt là xơ bã trong thức ăn, hơn nữa còn được gia cố bởi các hóa chất bảo quản. Nếu trẻ tiếp tục kéo dài tình trạng ăn uống vô tổ chức với chiếc dạ dày tổn thương không được điều trị này, các chất xơ bã sẽ có nguy cơ tích tụ và kết tập tạo thành những khối bã lớn gây tắc ruột, điển hình như trường hợp cháu bé kể trên.