Mật ong rất tốt nhưng những người này nên hạn chế ăn
(Dân trí) - Trong mật ong có hầu hết các vitamin, chất khoáng, cũng như axit hữu cơ và enzym. Mật ong hữu ích hơn đường, nhưng hàng ngày không nên dùng quá 30-60g, và nên sử dụng làm nhiều lần.
Ai cần thận trọng khi ăn mật ong?
Mật ong là nguồn chứa các carbohydrate đơn giản: glucose, fructose và sucrose. Mặc dù thành phần chủ yếu của mật ong là đường, nhưng khác với đường ăn thông thường, mật ong chứa các thành phần có lợi cho sức khỏe theo nhiều cách. Chính sự khác biệt này khiến mật ong trở thành loại chất làm ngọt tốt hơn đường.
Cụ thể, mật ong chứa một loạt các chất dinh dưỡng bao gồm: canxi, kali, magiê, vitamin B và vitamin C. Mật ong cũng chứa protein và axit amin là những đơn vị cấu trúc nên protein. Đặc biệt, loại chất ngọt này chứa các hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa có khả năng vô hiệu hóa tác động của các gốc tự do gây hại.
Mật ong rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người mắc xơ gan nên cẩn trọng khi sử dụng loại thực phẩm này.
Cần biết rằng, gan là nơi chuyển hóa carbohydrate chính trong cơ thể. Ở bệnh nhân xơ gan, tế bào gan đã bị tổn thương, dẫn đến chức năng gan suy yếu. Nếu cùng một lúc gan phải chuyển hóa một lượng lớn đường sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ quan này, khiến gan càng suy yếu đồng thời dẫn đến rối loạn chuyển hóa glucose.
Cùng với đó, lượng đường không được chuyển hóa hết sẽ là mầm mống gây nên bệnh tiểu đường.
Do đó, những bệnh nhân xơ gan hoặc mắc một bệnh lý nào đó khiến gan suy yếu khi sử dụng mật ong cần chú ý liều lượng. Nếu ăn một lượng vừa đủ theo khuyến cáo, mật ong vẫn sẽ rất tốt. Mật ong sẽ giúp bảo vệ gan chống lại sự phơi nhiễm độc tố, ngăn gan khỏi bị tổn thương do tắc nghẽn mật gây ra.
Bên cạnh người mắc bệnh gan, vì mật ong được tổng hợp từ mật của các loài hoa. Đây là những hoạt chất sinh học có thể làm tăng nguy cơ dị ứng. Vì vậy, những bệnh nhân có tiền sử dị ứng cần phải cẩn thận khi lựa chọn sử dụng mật ong.
Ngoài ra, mật ong là một sản phẩm rất ngọt. Do vậy những người tiểu đường, béo phì nên hạn chế sử dụng. Trường hợp bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu và quyết định liệu người bệnh có thể tiêu thụ mật ong hay không và với liều lượng nào.
Mẹo đánh giá chất lượng mật ong
Để đánh giá phần nào chất lượng của một chai mật ong, có thể dựa vào một số đặc điểm bên ngoài. Đầu tiên, một chai mật chuẩn phải có màu sắc đồng nhất, các chai mật quan sát thấy có sự lợn cợn chỗ đậm chỗ nhạt thì nguy cơ cao đấy là mật ong bị pha trộn.
Bên cạnh đó, với mật ong rừng thường được vắt trực tiếp bằng tay từ bánh tổ, sẽ có một lượng sáp, phấn hoa hay ấu trùng nổi trên bề mặt.
Ngoài ra, do mật ong có hàm lượng nước rất thấp (thường dưới 21%) nên chúng có tính hút ẩm mạnh. Vì vậy, để đánh giá một chai mật ong là đặc hay loãng, ta có thể sử dụng một cọng hành nhúng ngập phần lá vào mật để khoảng 5 phút rồi rút ra. Nếu mật ong đảm bảo chất lượng về độ đậm đặc sẽ quan sát thấy cọng hành héo đi.
Một cách làm khác cũng khá phổ biến là cho một giọt mật lên áo nếu thấy nó có thể lăn tự do trên vải mà không dính ướt thì cũng có thể chứng tỏ nó có độ đậm đặc cao.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn đánh giá chính xác thành phần dinh dưỡng và chất lượng của một chai mật ong, cần có các phương pháp phân tích phức tạp được tiến hành trong phòng thí nghiệm.
Chính vì vậy, các "mẹo" thủ công nêu trên chỉ mang tính chất tương đối, hơn nữa thủ đoạn làm mật ong kém chất lượng của các gian thương hiện nay ngày càng tinh vi hơn nên để đảm bảo quyền lợi cho mình, tốt nhất người tiêu dùng hãy lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi các đại lý có uy tín trên thị trường.