Mật độ muỗi, ổ bọ gậy tăng trở lại ở nhiều điểm nóng sốt xuất huyết
(Dân trí) - Sau khi mật độ muỗi giảm về không, ổ bọ gậy giảm xuống, đến nay, mật độ muỗi và bọ gậy ở Hà Nội vẫn có xu hướng tăng trở lại sau 1 tuần phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy.
7 ngày sau tiêu diệt, ổ bọ gậy lại gia tăng trở lại
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra chiều 31/8, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, qua giám sát, ổ bọ gậy tại các điểm nóng về SXH của Hà Nội lại đang tăng trở lại.
Như tại phường Khương Thương (Đống Đa, Hà Nội), chỉ số bọ gậy lúc đầu là 26%, một ngày sau khi diệt còn 7%, nhưng sau 7 ngày lại tăng lên 21%. Tương tự, giám sát tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) cho thấy chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi diệt bọ gậy 1 ngày còn 12%, nhưng sau 7 ngày lại vọt lên 21%...
Theo TS Dương, ổ bọ gậy tăng trở lại, mật độ muỗi sẽ lại tăng lên do bọ gậy nở thành muỗi. Vì thế, dù số ca mắc SXH tuần qua của Hà Nội không tăng, nhưng giảm chưa bền vững.
TS Dương cũng cho rằng, các ổ bọ gậy tăng trở lại sau can thiệp, là do các đội xung kích xử lý chưa triệt để.
Qua giám sát, khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả và vẫn còn 20% số gia đình có ổ bọ gậy.
Trong khi đó, thời tiết Hà Nội tuần qua cứ ngày mưa, ngày nắng. “Bất cứ dụng cụ gì có khả năng chứa nước để ngoài trời, mưa xuống, đọng nước đều là nơi lý tưởng cho muỗi truyền SXH đẻ trứng và nở ra thành bọ gậy, phát triển thành muỗi. Muỗi có thể đẻ trên búp chuối đọng nước, một tẹo nước ở chỗ lõm chum thùng lật úp. Mưa nhiều này rất đáng sợ, rất khó tiêu diệt các ổ bọ gậy”, TS Dương đánh giá.
Cần diệt bọ gậy hàng ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua số ca mắc SXH đang giảm đi. Cụ thể, Hà Nội ghi nhận hơn 2.900 ca mắc, giảm 18% so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp tại số ca mắc tại Hà Nội không tăng.
Số ca mắc mới tại 11 quận huyện trong vùng “báo động đỏ” đều đã giảm xuống nhưng số ca sốt xuất huyết chiếm 90% số bệnh nhân toàn thành phố.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 108.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 ca tử vong; tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều bệnh nhân ở các địa phương như Nam Định, Thanh Hoá… đều mắc bệnh từ Hà Nội, mang bệnh về quê điều trị.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dù các ca mắc mới SXH đang chững lại nhưng Hà Nội, các địa phương không chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai các biện phòng chống dịch.
Nhất là tại Hà Nội, giám sát dịch tễ cho thấy các ổ bọ gậy đang gia tăng trở lại, mật độ muỗi cũng đang tăng lên, đe dọa sự gia tăng trở lại của SXH
“Vì thế, việc xử lý bọ gậy phải làm thường xuyên, liên tục thậm chí hằng ngày chứ không phải hằng tuần như lâu nay vẫn tuyên truyền. Đây là vấn đề cốt lỗi để giảm số ca mắc sốt xuất huyết. Các đội xung kích diệt bọ gậy phải tích cực hơn nữa, hướng dẫn gia đình người dân để họ có thể kiểm tra, tham gia vào việc diệt bọ gậy mỗi ngày”, Thứ trưởng Long chỉ đạo.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.
TS Phu cho biết thêm, nhiều người nghĩ chống SXH thì diệt muỗi nên mới chú ý đến phun thuốc muỗi, ngăn muỗi đốt. Nhưng đó chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi một con muỗi cái nhiễm vi rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt vòng đời muỗi và truyền vi rút cho trứng; có thể đốt rất nhiều người vì có thể bay trong phạm vi 200m.
Một con muỗi đẻ khoảng 100 – 200 trứng mỗi lần, trứng nở ra lăng quăng, lăng quăng phát triển thành muỗi. Vì thế, nếu không ngăn được trứng đẻ muỗi, thì số lượng muỗi tăng gấp nhiều lần, diệt không xuể.
“Vì thế biện pháp ngăn chặn SXH cơ bản nhất vẫn là ngăn muỗi đẻ trứng, bọ gậy mới ngăn được SXH”, PGS Phu nói.
Bọ gậy ở khắp nơi quanh nhà bạn. Lọ hoa 2 ngày không thay nước thì muỗi đã có thể đẻ trứng; trên khe của nắp nhựa thùng nước ngoài sân; những lọ hoa lộ thiên ngoài trời ở bàn thờ, ở đình chùa; Phi đựng cứu hỏa bình thường đầy cát, mua tạo lớp nước ở trên cũng có bọ gậy; 1 ống nước cắm trên bờ tường để cắm cờ, khi rút ra cũng bọ gậy bên trong; bọ gậy ở lốp xe, vỏ dừa…
Vì thế, để ngăn ngừa SXH, mỗi người dân hãy có ý thức, để ý quanh nhà những vật dụng có nguy cơ chứa nước đọng để dọn sạch. Bởi loăng quăng ở ngay trong nhà người dân, nếu chính người dân không có ý thức dọn dẹp thì rất khó năng ngừa SXH.
Hồng Hải