Mất bao nhiêu thời gian để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt?

Biên Thùy

(Dân trí) - Thời gian chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, là một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang, giữ vai trò trong việc sản xuất tinh dịch. Ung thư tuyến tiền liệt là tình trạng xuất hiện các tế bào ác tính tại tuyến này.

Thời gian qua, nhiều độc giả đặt câu hỏi đến báo Dân trí, thắc mắc việc chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có khó khăn và mất nhiều thời gian không, khi lo ngại mắc căn bệnh này vì xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hiếu Nhân, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến ở nam giới, đặc biệt là độ tuổi trung niên trở đi.

Điều lưu ý, bệnh thường âm thầm khởi phát, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nên thường chỉ được phát hiện khi đã bước sang giai đoạn nặng.

Có nhiều dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt, như rối loạn tiểu tiện (khó tiểu, dòng tiểu yếu hoặc ngắt quãng, són tiểu, tiểu đêm nhiều…), cảm giác đau hoặc khó chịu (đau hoặc rát khi đi tiểu, đau khi xuất tinh).

Một dấu hiệu ít gặp nhưng mang tính chất cảnh báo quan trọng, đó là có máu lẫn trong nước tiểu hoặc tinh dịch. Bệnh nhân cũng có thể đau vùng dưới (ở giai đoạn muộn), đau âm ỉ ở vùng thắt lưng, hông hoặc đùi (khi ung thư đã lan rộng).

Mất bao nhiêu thời gian để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt? - 1

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Hiếu Nhân (bìa phải) hiện là Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Bệnh viện).

Bác sĩ Lê Văn Hiếu Nhân, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, để phát hiện và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số phương pháp kiểm tra sau:

Thăm khám trực tràng bằng tay (DRE)

Bác sĩ sẽ dùng ngón tay đeo găng, đưa nhẹ vào trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt có to bất thường, có khối cứng hay không. Đây là bước đầu giúp phát hiện dấu hiệu nghi ngờ.

Xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt)

Xét nghiệm máu này giúp đo nồng độ PSA, một chất do tuyến tiền liệt tiết ra. PSA tăng cao có thể liên quan đến ung thư, viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Theo Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, ý nghĩa của các chỉ số PSA như sau:

- PSA < 4ng/ml: Nguy cơ thấp, chưa cần sinh thiết, chỉ theo dõi định kỳ.

- PSA 4-10ng/ml: Vùng "xám", chưa thể kết luận ngay mà cần làm thêm xét nghiệm tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần. Nếu tỷ lệ từ 20% trở xuống được xếp vào nhóm nguy cơ cao, nên sinh thiết để xác định rõ, ngược lại tiếp tục theo dõi thêm.

- PSA > 10ng/ml: Nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt để xác định có tế bào ung thư hay không. Trong trường hợp nghi ngờ cao, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm chuyên sâu như: chụp MRI tuyến tiền liệt; sinh thiết tuyến tiền liệt để định vị chính xác vị trí nghi ngờ tổn thương.

Mất bao nhiêu thời gian?

Bác sĩ Nhân cho biết thêm, thời gian để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào kết quả kiểm tra ban đầu.

Trong trường hợp người bệnh có các kết quả bình thường (khi thăm khám tuyến tiền liệt qua đường trực tràng, kiểm tra chỉ số PSA trong máu và hình ảnh siêu âm bụng), quá trình kiểm tra có thể hoàn tất trong vòng một buổi sáng.

Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ ung thư và cần thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt, thời gian để có chẩn đoán chính xác thường sẽ kéo dài 5-7 ngày, bao gồm cả việc chuẩn bị trước khi sinh thiết như xử lý nhiễm trùng (nếu có) và chờ kết quả giải phẫu bệnh sau khi lấy mẫu mô.

Thời gian chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, bạn nên hiểu rõ quy trình và từng bước kiểm tra để chuẩn bị tinh thần, đồng thời giúp việc chẩn đoán diễn ra thuận lợi và chính xác nhất.

Quy trình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn

Bước 1: Tầm soát ban đầu

- Thăm khám tiền liệt tuyến bằng tay qua ngã trực tràng; Siêu âm bụng tổng quát.

- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chỉ số PSA toàn phần (T.PSA) và PSA tự do (F.PSA).

- Dựa vào chỉ số PSA, bác sĩ đánh giá nguy cơ và quyết định có cần làm sinh thiết tuyến tiền liệt hay không.

Bước 2: Chẩn đoán chuyên sâu (nếu có chỉ định sinh thiết)

- Chụp MRI vùng chậu có tiêm thuốc cản quang để xác định rõ vùng nghi ngờ tổn thương.

- Sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm đầu dò trực tràng (hướng dẫn chính xác vị trí lấy mẫu).

- Nếu kết quả sinh thiết là ung thư, bệnh nhân được thực hiện tiếp xạ hình xương để kiểm tra có di căn xương hay không.

Nếu sinh thiết ra kết quả lành tính hoặc PSA thấp không cần sinh thiết, người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị như bướu lành tuyến tiền liệt (phì đại lành tính).

Trước khi thực hiện sinh thiết, người bệnh cần được kiểm tra nước tiểu để đảm bảo không có tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.

- Nếu không có nhiễm trùng, người bệnh có thể tiến hành sinh thiết ngay.

- Nếu phát hiện nhiễm trùng, sẽ cần điều trị bằng kháng sinh trong khoảng 5 ngày, sau đó mới có thể thực hiện sinh thiết một cách an toàn.

- Kết quả giải phẫu bệnh sau sinh thiết sẽ có sau vài ngày. Đây là bước rất quan trọng giúp bác sĩ xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.

Khi đến phòng khám Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, bệnh nhân sẽ được tầm soát, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tuyến tiền liệt (như viêm tuyến tiền liệt, phì đại lành tính, ung thư tuyến tiền liệt) bằng những kỹ thuật hiện đại nhất.

Đặc biệt, người bệnh sẽ được trực tiếp thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Hiếu Nhân, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, người có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý nam khoa, luôn tận tâm và đồng hành cùng người bệnh suốt quá trình điều trị.