1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mất an ninh trật tự bệnh viện, người bệnh bất an

(Dân trí) - Bị móc túi, mất cắp hoặc sập bẫy lừa của những đối tượng lưu manh đang là vấn nạn khiến người bệnh bất an khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Thực tế trên đã được phản ánh trong khảo sát lấy ý kiến hài lòng của người nhà bệnh nhân.

Mặc dù các bệnh viện đã liên tiếp cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, móc túi, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản trong bệnh viện nhưng tình trạng trên vẫn liên tiếp xảy ra. Mới đây, anh Nguyễn Văn Hùng ngụ tại Bình Phước khi đang chen chân lấy phiếu khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu đến khi đóng tiền khám, anh lấy chiếc ví trong túi thì chiếc ví đã không cánh mà bay. Cùng với số tiền hơn 5 triệu đồng, toàn bộ giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, bằng lái… của anh trong chiếc ví cũng bị mất.

Mất an ninh trật tự bệnh viện, người bệnh bất an - 1

Quá tải bệnh viện đang là thách thức lớn về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự

Ngoài tình trạng móc túi thì trộm cắp trong bệnh viện xảy ra như “cơm bữa”. Mới đây, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Thanh ngụ tại Bình Dương trong lúc quá mệt vì chăm con cả đêm đã chợp mắt ngủ thiếp bên hành lang bệnh viện. Khi giật mình tỉnh giấc, chiếc túi xác của chị với điện thoại, tiền, giấy tờ tùy thân đã bị kẻ gian cuỗm mất.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM các nhân viên Phòng Công tác Xã hội còn cảnh báo đến bệnh nhân và thân nhân những chiêu trò rất tinh vi của các đối tượng lưu manh. “Chúng có thể dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền ngay cả khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Khi phát hiện người nhà bệnh nhân có nhiều tiền trong túi quần hoặc túi áo, bằng thủ đoạn giả vờ làm đổ thức ăn, nước mắm vào người của họ sau đó chúng sẽ chờ cho bệnh nhân vào nhà tắm công cộng rồi ra tay giật quần áo khi nạn nhân đang tắm”.

Những thủ đoạn tinh vi hơn như mời uống nước, hút thuốc, ăn đồ ăn có sẵn thuốc mê cũng được các bệnh viện cảnh báo. Tuy nhiên, phần vi thủ đoạn của các đối tượng luôn “thiên biến vạn hóa” phần vì người bệnh và thân nhân vẫn còn chủ quan hoặc chưa kịp tiếp cận với những cảnh báo của bệnh viện thì đã bị các đối tượng lưu manh ra tay trộm cắp, chiếm đoạt tài sản.

Cùng với tình trạng gia tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh vào giai đoạn 6 tháng cuối năm, vấn nạn mất an ninh trật tự gây bất an cho người bệnh cũng đang tăng nóng. Thống kê của phần mềm tổng hợp và phân tích dữ liệu khảo sát hài lòng của người bệnh cho thấy, trong tháng 7/2019 có gần 3.700 lượt phản ánh của người bệnh và thân nhân (tăng 27% so với cùng kỳ tháng 6/2019). Trong đó vấn đề an ninh trật tự trong bệnh viện đang trở nên rất nóng với tỷ lệ tăng lên 49% so với tháng 6.

Mất an ninh trật tự bệnh viện, người bệnh bất an - 2

Tăng cường an ninh bệnh viện là việc cần làm ngay để bảo vệ y bác sĩ và người bệnh

Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã thực hiện “chiến lược” nhằm ngăn chặn các đối tượng bất hảo xâm nhập tiếp cận người bệnh và thân nhân như: phát thẻ thăm nuôi bệnh cho người nhà; thu tiền thân nhân lưu trú lại bệnh viện qua đêm; tăng cường lực lượng bảo vệ; lắp thêm camera an ninh… tuy nhiên, tính hiệu quả chưa cao.

Trước tình hình trên, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tập trung rà soát và có phương án cải tiến những vấn đề được người bệnh phản ánh ý kiến không hài lòng trong cung ứng dịch vụ. Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện cần lưu ý tăng cường công tác an ninh trật tự tại bệnh viện, cung cấp dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu người bệnh, thông tin hướng dẫn cho người bệnh.

An ninh bệnh viện bị buông lỏng không chỉ khiến bệnh nhân và thân nhân bất an mà còn khiến các y bác sĩ dễ đối mặt với vấn nạn bị bạo hành. Tại Hội nghị tổng kết 9 năm triển khai Luật khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Luật cần bổ sung một số nội dung liên quan đến các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động an ninh trật tự trong bệnh viện để bảo vệ nhân viên y tế, bảo vệ sự an toàn trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Vân Sơn