Mất 5 nghìn giặt một chiếc áo trong bệnh viện
(Dân trí) - Bệnh viện công lập đầu tiên tại miền Bắc bất chấp việc bù lỗ đã quyết định mở dịch vụ giặt đồ cho người nhà bệnh nhân tại bệnh viện nhằm giảm cảnh nhếch nhác, nhiễm khuẩn bệnh viện. Mức giá giặt đồ rẻ bất ngờ và không mang tính ép buộc. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân buộc phải chấm dứt phơi giặt đồ hoàn toàn tại bệnh viện.
Ngày 19/5, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, sau 2 năm đau đầu tìm các giải pháp để bệnh viện hướng tới sạch đẹp theo chủ trương của Bộ Y tế, không còn cảnh người nhà giặt, phơi đồ nhếch nhách, BV đã đưa gia giải pháp. Theo đó qua đấu thầu, một công ty đã thầu việc giặt ủi quần áo cho người nhà bệnh nhân tại viện, với giá thấp tối đa chỉ đủ duy trì hệ thống máy vận hành, trả lương nhân công. Theo đó, mức giá giặt 5 nghìn một cái áo sơ mi, 6 nghìn một chiếc quần âu, 10 nghìn bộ đồ ở nhà… Có được mức giá này bởi BV Bạch Mai chịu bù lỗ chi phí, điện nước.
Theo TS Hùng, 2 tháng nay bệnh viện đã đưa kế hoạch về từng khoa, phát tờ rơi để tuyên truyền, vận động cho người nhà bệnh nhân về dịch vụ này và sẽ chính thức triển khai vào tuần tới. Khảo sát sơ bộ nhiều người nhà bệnh nhân đồng tình, có nhu cầu lớn với dịch vụ này.
Chị N.P.Vy (Hà Đông, Hà Nội) có con đang điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, đi chăm con ốm ở viện, khốn khổ nhất là khi giặt giũ, phơi phóng, những hôm trời mưa ẩm như thế này không biết bao giờ đồ mới khô. “Tôi nghĩ bỏ ra 10 nghìn để có bộ đồ sạch sẽ, tinh tươm, không còn mùi ẩm mốc tôi sẵn sàng”, chị Vy nói.
TS Hùng chia sẻ thêm, thời gian tới, bệnh viện đưa vào vừa triển khai vừa giải quyết tình huống phát sinh (nếu có). Trong đó, bệnh viện lo lắng vấn đề có “trung gian” đưa nguồn giặt là từ ngoài vào bệnh viện vì chi phí rẻ. Nhưng bệnh viện cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cam kết, nếu phát hiện tình trạng này sẽ bị xử phạt.
Hơn nữa, về phía người nhà bệnh nhân, một chủ trương đưa ra dù tốt đến mấy cũng có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên cần xét đích đến, quyền lợi người bệnh bệnh viện được đảm bảo là trên hết.
“Về tâm lý, bỏ thêm một đồng cũng không ai muốn. Nhưng bù lại, đây là một trong những biện pháp chống nhiễm khuẩn bệnh viện, hướng tới bệnh viện sạch đẹp, khi mà người bệnh tự giặt không sạch sẽ, lại tham gia quá trình chăm sóc bệnh nhân có thể mang thêm vi khuẩn truyền cho người bệnh. Chưa kể, có hiện tượng người nhà bệnh nhân sử dụng xà phòng rửa tay sát khuẩn đổ ra lavabo rửa mặt giặt đồ, chi phí lớn, người chăm sóc bệnh nhân không còn xà phòng để rửa”, TS Hùng nói.
TS Hùng cho biết thêm, khi dịch vụ chính thức đưa vào hoạt động, bệnh viện sẽ thực hiện như nhiều bệnh viện khác là cấm phơi quần áo ở phòng bệnh, lan can. Cũng theo TS Hùng, bước đầu thực hiện chủ trương, với những trường hợp chưa nghiêm túc thực hiện, Bệnh viện sẽ nhắc nhở. Thời gian tới sẽ tiến hành tháo gỡ toàn bộ dây mắc, treo phơi ở ban công các phòng bệnh.
Tuy nhiên, dịch vụ này hoàn toàn là tự nguyện, không ép buộc. Người nhà bệnh nhân có nhu cầu sẽ chủ động mang đồ đến khu vực giặt là; hoặc có thể mang về nhà; giặt là bên ngoài.
“Còn quần áo của bệnh nhân nằm điều trị vẫn do đơn vị Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện thực hiện, giặt với quy trình sát khuẩn đồ dính máu, mủ… tốn kém hơn rất nhiều”, TS Hùng nói.
Hồng Hải