Mạo danh bệnh viện Bạch Mai "hỗ trợ" 3000 hộp trà thảo mộc trị đau dạ dày cho người dân
(Dân trí) - Sau khi ấn "đăng ký" nhận thảo dược trị đau dạ dày do Khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai) hỗ trợ, bệnh nhân nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên bệnh viên bệnh viện hỏi địa chỉ để giao hàng và thông báo số tiền 1,3 triệu đồng - là mức giá đã hỗ trợ.
Vào mạng xã hội thì thấy có thông tin “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”, chị V.T.T vui mừng ấn vào đăng ký và để lại số điện thoại.
Sau đó, chị T. nhận được điện thoại của người lạ tự xưng hị nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được điện thoại của một người khác tự xưng là nhân viên của khoa Dược, BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để giao trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.
Thấy không yên tâm chị đã liên hệ với phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì mới biết đây hoàn toàn là trò lừa đảo.
“Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và cũng không triển khai hoạt động trên. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân”, TS.BS.Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai khẳng định.
Ông đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang.
Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhiều phòng khám, cơ sơ tư nhân mang danh, mạo danh, giả mạo Bệnh viện để thu hút bệnh nhân. Theo đó, Bệnh viện cho biết chưa triển khai kiểm nghiệm, sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Vì vậy thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo về thuốc trị bạc tóc, rụng tóc, làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa, thuốc trị nám… được sản xuất hay kiểm nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều là những thông tin không chính xác.
Đồng thời, Bệnh viện chỉ có địa chỉ duy nhất tại số 1, Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mang tên “viện 108”, “viện quân đội 108”,… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo.
Nhiều bác sĩ về thẩm mỹ, da liễu của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng lên tiếng vì những "đối tác" từ trên trời rơi xuống với những lời quảng cáo có hợp tác với các chuyên gia này trong phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, kiểm chứng nguồn tin, không vội vàng tin tưởng vào những thông tin giả mạo này để phòng ngừa bị lừa đảo, tiền mất tật mang.
Nam Phương