Mang thai hộ: Cần có cơ quan xem xét từng trường hợp cụ thể!
(Dân trí) - Việc mang thai hộ giải quyết nguyện vọng làm mẹ chính đáng của những phụ nữ không đủ sức khỏe sinh nở. Vậy nhưng cần có cơ quan xem xét, cân nhắc đối với từng trường hợp.
Vấn đề được đề cập tại Hội nghị tham vấn công chúng về dự thảo luật hôn nhân và gia đình do Viện nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) vừa diễn ra ở TPHCM.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay tỉ lệ vô sinh ở nước ta khá cao, khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều phụ nữ không đủ sức khỏe sinh nở như không có tử cung, sẩy thai liên tiếp, suy tim suy gan, tai biến sản khoa…
TS Nguyễn Huy Quang phân tích, Việt Nam có điều kiện về y tế để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để mang thai hộ. Các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đầu ngành ở Việt Nam đã thực hiện được tất cả các kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Bác sĩ ở Việt Nam được đánh giá là có kinh nghiệm chuyên môn cao về thực hiện IVF. Số ca thực hiện IVF ở Việt Nam nhiều nhất ở Châu Á (khoảng 7.000 ca mỗi năm).
Chi phí IVF ở Việt Nam thấp hơn nước ngoài từ 5 - 10 lần, ở mức khoảng 50 triệu đồng. Chưa kể khi ra nước ngoài, người bệnh còn thêm gánh nặng chi phí đi lại, ăn ở, phiên dịch. Nếu pháp luật cho phép mang thai hộ thì chắc chắn sẽ hạn chế được các cặp vợ chồng ra nước ngoài thực hiện kỹ thuật này, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích của họ.
Người này cũng đặt ra vấn đề, việc mang thai hộ nếu cho phép thì chỉ đối với công dân Việt Nam hay cả công dân nước ngoài? Nếu cả công dân nước ngoài thì sẽ khó tránh “du lịch sinh sản”. Còn nếu chỉ cho phép người thân mang thai hộ như dự thảo thì những người không có thân thích vẫn “thuê đẻ” hoặc ra nước ngoài thực hiện IVF.
Ngoài ra, hàng loạt vấn đề cần phải cân nhắc như sức khỏe, tính mạng của người mang thai hộ; tình cảm giữa người mang thai hộ và đứa trẻ dẫn đến việc tranh chấp; khi vợ chồng có con mang thai hộ thì ai sẽ nhận đứa trẻ; sự phát triển của đứa trẻ…
TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, cần có cơ quan cho xem xét điều kiện từng trường hợp cụ thể; có cơ quan tư pháp đứng ra giải quyết các vấn đề phát sinh, tranh chấp từ mang thai hộ.
Tại hội nghị, những nội dung trong Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình còn nhiều ý kiến chưa thống nhất cũng được các đại biểu thảo luận như chế định ly thân; quy định về độ tuổi, điều kiện kết hôn; giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa người cùng giới; giải quyết hậu quả nam nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn…
Hoài Nam