Mali: Bệnh nhân Ebola đầu tiên và hàng trăm người đi xe buýt có nguy cơ nhiễm bệnh
(Dân trí) - Bệnh nhân Ebola đầu tiên của Mali, một bé gái 2 tuổi, đã tử vong hôm thứ Sáu tuần trước ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nhiều người có thể bị lây bệnh do bé gái đã đi khắp đất nước trong khi đang ốm.
Bé gái đã cùng bà đi xe buýt hàng trăm km từ Guinea qua thủ đô của Mali tới thị trấn Kayes, miền Tây nước này. Tại đây bé gái được chẩn đoán bệnh hôm thứ Năm. Các nhân viên y tế đang vất vả truy tìm hàng trăm người có thể đã tiếp xúc để ngăn chặn Ebola ở Mali.
Trong tuyên bố tối thứ Sáu, chính phủ Mali đã xác nhận trường hợp tử vong của bé gái này.
Mali là nước thứ 6 ở Tây Phi ghi nhận ca bệnh Ebola. Senegal và Nigeria đã thành công trong việc kiềm chế dịch và được tuyên bố hết bệnh. Tây Ban Nha và Mỹ đều có một vài trường hợp bệnh.
Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về sự sẵn sàng đối phó dịch của Mali, một trong những nước nghèo nhất thế giới. Là nơi đóng quân của phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp Quốc, đất nước gồm phần lớn những người theo đạo Hồi này vẫn đang phải chống lại quân phiến loạn Hồi giáo ở miền Nam sau cuộc chiến tranh ngắn do người Pháp chỉ huy.
Việc điều tra cho thấy bé gái này đã bắt đầu biểu hiện triệu chứng - và do đó có thể lây bệnh cho người khác - trước khi tới Kayes.
“WHO đang xử lý trường hợp Mali như một tình huống khẩn cấp. Tình trạng có triệu chứng của bé gái trong chuyến đi bằng xe buýt là đặc biệt đáng lo ngại, vì đó là những cơ hội gây phơi nhiễm - bao gồm phơi nhiễm nguy cơ cao - cho rất nhiều người.
Bé gái đi khám ngày 20/10 ở Kayes nhưng bị chuyển tới một bệnh viện khác vào ngày hôm sau khi có xét nghiệm dương tính với thương hàn song đồng thời cũng bị chảy máu mũi. Mãi tới ngày 23/10 bệnh nhân mới có kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola.
WHO cho biết 43 người có tiếp xúc đã được xác định và cách ly, nhưng một quan chức y tế Mali yêu cầu không nêu tên, cho biết chính quyền ước tính có ít nhất 300 người đã tiếp xúc với bé gái này.
Vài giờ trước khi Mali xác nhận ca bệnh đầu tiên hôm thứ Năm, trợ lý Tổng giám đốc WHO Keiji Fukuda cho biết cơ quan này “tin tưởng” rằng vi rút Ebola sẽ không lan sang các nước láng giềng khác.
WHO và tổ chức Bác sĩ không biên giới đều gửi các đội công tác tới Mali. Một máy bay của Liên hiệp quốc đã đưa một tấn vật tư y tế - bao gồm bộ bảo hộ cá nhân, găng tay, mặt nạ che mặt và xô - tới nước này.
Trên những con phố đầy bụi của thủ đô Bamako, nhiều người dân tỏ ra hoang mang vì bé gái đã lưu lại một thời gian ở quân Bagadadji của thành phố này trước khi khởi hành tới Kayes hôm Chủ nhật.
“Tôi rất sợ vì nghề của tôi luôn phải tiếp xúc với nhiều người, nhưng tôi không thể bỏ việc được", Hamidou Bamba, 46 tuổi, lái xe taxi ở Bamako nói. “Hôm nay là thứ Sáu vì thế chúng tôi đang cầu thánh Ala để bệnh này đừng lây lan ở Mali”.
Mali, cùng với Bờ biển Ngà, đã đặt các trạm kiểm soát ở biên giới để ngăn chặn dịch Ebola. Tuy nhiên, chuyến đi của phóng viên hãng Reuters tới biên giới Mali với Guinea hồi đầu tháng cho thấy có thể tránh được trạm kiểm tra của Mali bằng cách lái xe qua rừng.
Bờ biển Ngà đang báo động sau khi chính quyền Guinean thông báo một nhân viên y tế Guinea đã thoát khỏi mạng lưới giám sát và tới biên giới sau khi một bệnh nhân của người này bị nhiễm Ebola. Chưa rõ nhân viên y tế này có bị nhiễm Ebola hay không nhưng vẫn phải theo dõi vì có tiếp xúc với người bị bệnh.
Cẩm Tú
Theo Telegraph