Mắc ung thư có được đi viếng đám ma?
(Dân trí) - Ung thư là nỗi ám ảnh của nhiều người. Vì thế, có rất nhiều người hiểu chưa đúng về bệnh như cho rằng mắc ung thư thì không được đi đám ma, không được đụng dao kéo, không được bồi bổ cơ thể…
Dưới đây là một số quan điểm sai lầm về bệnh ung thư:
Ung thư là án tử hình
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1/3 các bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe, tầm soát phát hiện sớm ung thư rất quan trọng.
Có rất nhiều bệnh ung thư có thể được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, như ung thư vú, tuyến tiền liệt, tuyến giáp, đại trực tràng và kể cả ung thư gan. Khi đó, bệnh nhân đều có thể sống khỏe mạnh ít nhất 5 năm. Bên cạnh đó, nhiều phương pháp điều trị ung thư mới được nghiên cứu và ứng dụng, giúp người bệnh giai đoạn muộn có thể sống lâu hơn.
Ung thư không được đi đám tang
Không có cơ sở khoa học nào cho thấy đi đám tang về thì bệnh ung thư sẽ tái phát. Ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Những người phát hiện bệnh muộn, dù đã điều trị nhưng tế bào ung thư vẫn có thể còn tồn tại với số lượng ít trong cơ thể, sau đó phát triển. Bệnh tái phát nên mọi người cho rằng hai sự việc có liên quan đến nhau, dù chỉ là trùng hợp.
Ung thư là bệnh truyền nhiễm
Bản thân ung thư không phải là bệnh lây, nhưng một số tác nhân sinh ung thư, ví dụ trong ung thư gan thì virus viêm gan B/C lây qua đường quan hệ tình dục hoặc đường máu. Virus gây u nhú ở người (HPV) là bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Ăn đường làm tăng nguy cơ ung thư phát triển nhanh hơn
Các tế bào ung thư cần nhiều đường hơn các tế bào lành. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn đường hoặc thực phẩm ngọt sẽ làm trầm trọng thêm bệnh ung thư, ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết.
Thực tế, chế độ ăn nhiều đồ ngọt có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ mắc béo phì, đái tháo đường. Những người này sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
Ung thư không được đụng dao kéo
Đến nay, phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp cơ bản nhất trong điều trị ung thư. Thậm chí, với một số ung thư, đây được xem là phương pháp điều trị khỏi duy nhất. Nguyên tắc mổ là lấy rộng tổn thương kèm theo nạo vét hạch, và phải đúng chỉ định, đúng giai đoạn.
Theo BS Nam, phẫu thuật ung thư có 2 loại: triệt căn và triệu chứng. Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm. Phẫu thuật triệu chứng khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn, mục đích chính là giảm chèn ép, tránh tắc ruột, chảy máu, nhiễm trùng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đau, kéo dài sự sống cho người bệnh.
Ung thư không được hóa, xạ trị vì tác dụng phụ
Điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị có thể có tác dụng phụ. Các phương pháp này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, nhưng các tế bào ung thư bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khả năng hồi phục của tế bào ung thư cũng kém hơn tế bào lành.
Không được bồi bổ khi mắc ung thư
Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi bổ trong giai đoạn điều trị hóa chất, tia xạ, sau đó ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Có người không ăn thịt đỏ, chất đạm, uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay... Sai lầm này khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.
Chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua. Tránh thực phẩm quá giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị.
Nếu trong gia đình có người ung thư, chắc chắn tôi cũng bị ung thư
Khoảng 5-10% bệnh ung thư là do đột biến gen di truyền. Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn chắc chắn sẽ bị ung thư. Để ung thư xảy ra thì ngoài di truyền, còn các yếu tố khác như hút thuốc, uống rượu, phóng xạ...