Mắc sai lầm phổ biến của nhiều người Việt, người phụ nữ phải cắt thận

Hà An

(Dân trí) - Tiền sử bị sỏi thận nhưng bệnh nhân không đi khám hay điều trị tại cơ sở y tế mà uống thuốc đông y với hy vọng sỏi tiêu đi. Đến khi xuất hiện đau nhiều, chị mới đến bệnh viện thì thận phải đã hỏng.

Trước khi vào viện một tuần, bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng, đau lan ra đằng trước kèm theo buồn nôn, toàn thân mệt mỏi. Bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) khám. 

Tại đây, sau khi tiến hành thăm khám, dựa trên các kết quả siêu âm, xét nghiệm, hình ảnh CT Scanner, các bác sĩ nhận thấy thành bể thận giãn rất mỏng, sỏi thận phải kích thước khoảng 2x2cm, làm mất chức năng thận. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ thận phải kèm khối sỏi thận.

Trước đó, bệnh nhân có tiền sử sỏi thận nhưng không đi khám hay điều trị gì mà uống thuốc đông y với hy vọng sỏi tự tiêu. 

Mắc sai lầm phổ biến của nhiều người Việt, người phụ nữ phải cắt thận - 1

Chủ quan khi bị sỏi thận, nhiều người đã phải cắt một bên thận (Ảnh minh họa: Shutter).

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Như Trung, khoa Ngoại thận - Tiết niệu, khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe.

Đặc biệt là những người có tiền sử sỏi thận nhưng không thấy đau hoặc chủ quan mà không đi khám bệnh. Chỉ đến khi bệnh có biến chứng nặng mới nhập viện điều trị, nhiều trường hợp trong số đó đã phải cắt một bên thận do sỏi thận.

Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc là 2 trên 1.000 người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ thói quen tự chữa bệnh bằng cách "rỉ tai", "truyền miệng" hoặc tìm đến thầy lang bốc thuốc khiến cho bệnh trở nên trầm trọng. Phổ biến nhất là người dân hay uống các loại lá, cây, cỏ theo kinh nghiệm dân gian để tự chữa sỏi thận. 

Tuy nhiên, nhiều người không hiểu có những sỏi sau uống thuốc lá một ngày có thể đái ra được nhưng có những loại sỏi uống hàng tấn thuốc cũng không thể ra. Hay có những loại sỏi dù rất nhỏ nhưng có mảng bám gai xương rồng cắm vào mô của thận, hay niêm mạc của niệu quản thì không bao giờ ra được dù rất nhỏ. 

Thậm chí có những sỏi đã canxi hóa không bào mòn được thì sẽ gây hỏng thận một cách rất nhanh chóng.

Người bị sỏi thận thường xuất hiện cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ sát làm tổn thương đường tiết niệu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu. 

Tiểu ra máu là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác. Người mắc sỏi thận cũng có biểu hiện tiểu dắt, tiểu són, bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít. 

Để phòng sỏi thận người dân cần uống đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành cần khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, người Việt nên bỏ thói quen ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hàng ngày. 

Ngoài ra, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ. Khi có biểu hiện đau lưng, đau hố thắt lưng, đau dữ dội kèm đái ra máu… thì phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.