Lý giải nguyên nhân người Việt béo phì, suy dinh dưỡng

Nguyễn Hoài

(Dân trí) - Tình trạng một bộ phận người Việt béo phì, suy dinh dưỡng đang gia tăng gần đây đang được các chuyên gia lý giải chủ yếu do thói quen ăn uống mất kiểm soát và lười vận động.

Lý giải nguyên nhân người Việt béo phì, suy dinh dưỡng - 1

Thức ăn chế biến sẵn dễ gây béo phì ở trẻ em.

Thừa cân, béo phì là câu chuyện sức khỏe không chỉ của riêng quốc gia nào. Nhiều lý giải thuyết phục nhất cho đến nay được đưa ra bao gồm thói quen ăn uống mất kiểm soát và lười vận động. Đặc biệt, những yếu tố này về lâu dài còn là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ lụy sức khỏe khác, dẫn tới một loạt bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tiểu đường, tim mạch...

Không có thời gian nên lười vận động

Lý do thời gian eo hẹp hay lịch sinh hoạt thường nhật bận rộn luôn được đưa ra để bao biện cho việc lười tập thể dục nhưng ít ai biết rằng việc lười vận động là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Sổ tay phòng chống ung thư của Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra lười vận động có thể là con đường ngắn nhất dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Một báo cáo tổng hợp 43 nghiên cứu từ 70.000 trường hợp ung thư vào năm 2014 đưa ra kết luận: Những người dành nhiều thời gian ngồi làm việc có nguy cơ ung thư đại trực tràng lớn hơn 24% so với người bình thường. Những người ngồi nhiều để xem TV có nguy cơ tăng gấp rưỡi, do cộng thêm hiểm họa đến từ đồ ăn vặt và nước uống có hại cho sức khỏe.

So sánh trực quan, các nhà khoa học đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng lười vận động tương đương như việc hút thuốc lá. Theo thống kê, cứ mỗi 10% tỷ lệ lười vận động được cải thiện là có thể cứu sống thêm hơn 500.000 người/năm.

Lối sống không lành mạnh như dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy vi tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong đại bộ phận người Việt Nam. Hoạt động thể lực ngày ít đi kèm theo vô số hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo một nghiên cứu khoa học về tập luyện thể dục thể thao mới được công bố gần đây của tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc bệnh "lười vận động" và đặc biệt Việt Nam được xếp vào nhóm nước lười vận động nhất với chỉ 15,3% dân số tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

Lý giải nguyên nhân người Việt béo phì, suy dinh dưỡng - 2
Số liệu so sánh bước đi bộ hàng ngày của người Việt so với các nước khu vực, do Trung tâm dinh dưỡng HCM cung cấp.

Ăn uống theo kiểu "thích thì phản khoa học"

Trường Đại học Sydney, Australia mới đây vừa công bố danh sách 6 thói quen chính trong sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính (béo phì, suy dinh dưỡng, tiểu đường, tim mạch,...) và tử vong. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi lịch sinh hoạt và các chỉ số sức khỏe của 231.000 người Australia ở độ tuổi trên dưới 45 tuổi. Trong suốt 6 năm nghiên cứu, nhóm đã khảo sát định kỳ thói quen sinh hoạt của các đối tượng và lập bảng thống kê phân tích đối với những người đã qua đời.

Kết quả ghi nhận có ăn uống bừa bãi, không khoa học (lượng rau quả đưa vào cơ thể ít, ăn nhiều chất béo bão hòa và muối) và thiếu vận động là những thói quen quan trọng có mối liên quan trực tiếp đến bệnh tật và tử vong.

Những thói quen còn lại bao gồm: hút thuốc, uống rượu, ngồi nhiều (ngồi quá 7 tiếng mỗi ngày) và ngủ không khoa học (ít hơn 7 tiếng hoặc nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày). Nhóm có các thói quen xấu này càng nhiều thì nguy cơ đoản thọ càng cao.

Các cá nhân hội tụ đủ cả 6 thói quen xấu này có tuổi thọ chỉ bằng 1/5 người bình thường.

Lý giải nguyên nhân người Việt béo phì, suy dinh dưỡng - 3

Thói quen ăn uống, sinh hoạt bừa bãi, không khoa học của người Việt (Ảnh minh họa).

Đáng nói, những thói quen xấu nêu trên đều là những thói quen phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt

Về thói quen ăn uống bất hợp lý của người Việt, tại Hội nghị công bố báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu… chưa kể là thiếu vi chất (vitamin, I ốt,…). Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bữa ăn của người Việt hiện nay thiếu cân đối, thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. Điều này đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản, lao động của cả người lớn lẫn sự phát triển của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc thiếu vi chất dinh dưỡng còn là nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi, chậm phát triển chiều cao khi trưởng thành.

Nhìn chung, để cải thiện những vấn đề về sức khỏe của người Việt Nam, bên cạnh việc thay đổi đồng thời những thói quen không lành mạnh thì cần có sự tập trung hơn hết vào việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt cũng như tăng cường các hoạt động vận động, thể dục, thể thao.