Lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân u lympho

Minh Nhật

(Dân trí) - Quá trình điều trị bệnh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy theo thể trạng mỗi bệnh nhân như: buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi… làm ảnh hưởng nặng nề đến việc ăn uống.

Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, u lympho là một dạng bệnh lý ung thư máu khi tế bào hạch bạch huyết phát triển quá mức kiểm soát. Quá trình điều trị bệnh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy theo thể trạng mỗi bệnh nhân như: buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi…làm ảnh hưởng nặng nề đến việc ăn uống của người bệnh. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh hạn chế tác dụng phụ, nâng cao thể trạng và có sức chống đỡ bệnh tật.

Nguyên tắc dinh dưỡng với những bệnh nhân u lympho

Lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân u lympho - 1

   - Cung cấp đầy đủ các chất: protein (chất đạm), lipit (chất béo), glucid (tinh bột)

   - Cung cấp vitamin, khoáng chất đầy đủ: rau, củ, quả. Đặc biệt, canxi, vitamin D và phốt pho sẽ giúp cho xương chắc khỏe.

   - Hạn chế muối: 6g/ngày, do quá trình điều trị có sử dụng corticoid gây giữ nước, gây phù.

   - Nên tránh các đồ uống có cồn, tăng cường thực phẩm giàu glucid giúp tế bào gan giảm gánh nặng và nhanh hồi phục. Do sau khi ghép tủy xương, người bệnh có thể có suy giảm chức năng gan do tác động của hóa trị liều cao, do thuốc men.

   - Lượng nước: 40ml/kg cân nặng/ngày. Chia thành nhiều bữa trong ngày: 6-8 bữa/ngày.

Các thực phẩm nên dùng

   - Gạo tẻ, gạo nếp, khoai tây, khoai lang, bún, phở, ngô.

   - Thịt đỏ (tối đa 80g/ngày): Thịt bò, thịt lợn, thịt dê,…

   - Ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu vitamin D, canxi, phốt pho như: thịt, cá, tôm, cua đồng, trứng, sữa, bơ, súp lơ…

   - Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều Omega-3: cá hồi, dầu oliu, cá trích, cá thu, dầu thực vật: dầu vừng, dầu mè, dầu lạc.

   - Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, A, C, selen có khả năng chống oxy hóa: cà rốt, rau ngót, bí đỏ, ớt chuông, rau khoai, đậu bắp, mồng tơi, cam, bưởi…

   - Các loại sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư có thành phần EPA.

   - Người bệnh có bạch cầu thấp cần tăng cường các thực phẩm có tính kháng khuẩn: trà xanh, tỏi, rau diếp cá, rau thì là, gừng, …

Các thực phẩm không nên dùng

   - Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối: lạp sườn, xúc xích, thịt hun khói, đồ hộp…

   - Thực phẩm chứa nhiều chất béo: nội tạng động vật, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ.

   - Rượu bia, đồ uống có ga, chất kích thích.

Các triệu chứng cảnh báo u lympho cần lưu ý

Sưng hạch

Trong u lympho, các tế bào trong hạch bạch huyết gặp trục trặc. Khối u có thể phát triển trong những hạch này, khiến hạch to ra. Hạch sưng to dai dẳng không đau ở cổ, nách hoặc bẹn có thể là dấu hiệu của ung thư hạch.

Đổ mồ hôi ban đêm

Bệnh bạch cầu (ung thư máu) và u lympho (ung thư hạch) là hai bệnh ung thư liên quan đến đổ mồ hôi ban đêm. Các nhà khoa học chưa biết chính xác lý do tại sao điều này xảy ra, nhưng có thể là do ung thư làm tăng nhiệt độ cơ thể hoặc giải phóng các chất gây đổ mồ hôi.

Sốt

Sốt thường do bệnh nhẹ gây ra. Nhưng trong một số ít trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của ung thư hạch. Nếu bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ.

Mệt mỏi

Những người bị ung thư thường cảm thấy mệt mỏi, vì cơ thể cố gắng chống lại các tế bào xâm lấn. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi - loại mệt mỏi mà giấc ngủ không giải quyết được - thì tốt nhất nên đi khám.

Sụt cân

Sụt cân là một triệu chứng của ung thư hạch, cũng như đối với một số ung thư khác. Các chuyên gia cho rằng sụt cân liên quan đến ung thư là do ung thư tấn công quá trình trao đổi chất, đốt cháy nhiều calo hơn cho sự phát triển của chính nó. Nếu bị sụt cân không rõ nguyên nhân từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên trong 6 tháng, thì nên đến gặp bác sĩ.