Luật “lắm mối” thách đố người tiêu dùng và cơ quan quản lý
(Dân trí) - Quản lý chồng chéo, thiếu chặt chẽ giữa các Bộ đang tạo ra những lỗ hổng trong Luật an toàn thực phẩm. Người dân mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm nhưng vẫn phải dùng, đơn vị quản lý lúng túng không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng luật.
Thực phẩm “khuyết tật” tung hoành trên thị trường
Thực phẩm là loại hàng hóa có ý nghĩa đặc biệt, là nhu cầu tất yếu mỗi ngày của mọi người. Tuy nhiên, sử dụng thực phẩm không đảm bảo đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của con người. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 20 trong số nước có số bệnh nhân ung thư cao nhất trên toàn cầu. “Bệnh từ miệng mà vào”, thực phẩm được xếp vào mối nguy hàng đầu dẫn tới những căn bệnh hiểm nghèo.
Mỗi tháng trên cả nước xảy ra hàng hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Song, mới phản ánh được một phần những ca ngộ độc cấp tính, số ca ngộ độc mạn tính không thể thống kê được bởi chúng diễn tiến âm thầm cho đến khi quật ngã người bệnh. Ngộ độc thực phẩm cấp và mạn tính vì thế đang gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế và kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Ông Phan Khánh An, đại diện Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương cho biết: “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ hàng hóa khi lưu thông phải ghi rõ nhãn mác, xuất xứ, niêm yết giá và cảnh báo khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế đa số các mặt hàng lương thực, thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa đáp ứng được các quy định trên. Nhiều mặt hàng “khuyết tật” có nguy cơ gây tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng đang lưu hành “tự do””.
Dẫn chứng thực tế trên, ông Khánh An cho biết, thời gian qua nhiều vấn đề bê bối về thực phẩm đã bị phanh phui như vụ nước mắm “sạch” Hải Ngư đóng cặn; bánh Choco Pie chứa hạnh nhân gây dị ứng… Song, đây chỉ là phần nổi ít ỏi của nhiều mặt hàng không đảm bảo bị phát hiện. Tình trạng trên khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang, mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm được đơn vị sản xuất công bố.
Người thi hành luật lúng túng
Để thay thế cho Pháp lệnh vệ sinh an toan thực phẩm, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Luật quy định về một lĩnh vực nhưng có tới ba bộ cùng quản lý gồm: Bộ Y tế; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những lỗ hổng từ việc quản lý chồng chéo đang khiến đơn vị thi hành luật cấp cơ sở lúng túng.
Trong Hội nghị phổ biến Luật an toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng diễn ra tại TPHCM (ngày 12/7) chuyện “ba bộ cùng quản lý một mâm cơm” đã cho thấy nhiều hạn chế của Luật mới ban hành. Ông Võ Quan Đệ, đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Luật An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành nhưng chưa có hướng dẫn quản lý tại các chợ, siêu thị. Theo luật, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; Bộ Công thương quản lý các loại rượu, bia, nước giải khát. Tuy nhiên, mặt hàng nước đá, nước uống không đóng chai thì chưa ai quản lý nên khi có khiếu nại của người dân về mặt hàng nước đá không đảm bảo chất lượng sở không biết dựa vào đâu để xử lý”.
Trong khi đó bà Bùi Thị Nga, đại diện Sở công thương tỉnh Cần Thơ nêu vấn đề: “Trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh một mặt hàng thực phẩm nhưng cùng lúc phải xin nhiều loại giấy phép khác nhau. Chỉ một chiếc bánh Trung thu nhưng ruột thì Bộ Nông nghiệp quản lý, vỏ thì Bộ Công thương, chất lượng thì Bộ Y tế. Sự quản lý chồng chéo của các Bộ đang gây nhiều thủ tục phiền hà. Khi kiểm tra phát hiện những thiếu sót của dân chúng tôi vẫn phải xử lý nhưng vẫn run vì chẳng biết có đúng luật hay không”.
Tại TPHCM bà Tôn Nữ Thanh Thúy, phụ trách VSATTP tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức bức xúc: “Giấy chứng nhận VSATTP của các hộ kinh doanh tại chợ đã hết hạn từ lâu, ban quản lý chợ đã nhiều lần đề xuất nhưng chẳng biết sở nào, bộ nào cấp phép. Song, chiếu theo quy định khi kiểm tra nếu không xuất trình được giấy tờ hợp lệ chúng tôi sẽ bị phạt rất nặng.”
Trước vấn đề trên, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công thương thừa nhận: “Việc quản lý chồng chéo giữa các Bộ về thực phẩm đang tồn tại nhiều lỗ hổng gây khó khăn trong thực hiện Luật. Sắp tới ba bộ sẽ họp để ra thông tư liên tịch về vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi ra thông tư các bộ sẽ có trách nhiệm cấp phép cho lĩnh vực mình quản lý.”
Vân Sơn