Lồng ruột vì nhiễm siêu vi

Ngày 7/1, bé Ngô Hùng A (6 tháng tuổi, nhà ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vào viện vì nôn ói nhiều kèm với khóc thét từng cơn. Sau khi khám và siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé A. bị lồng ruột cấp tính, phải chuyển lên phòng mổ để tháo lồng bằng hơi gấp.

Ba của bé nghe bác sĩ nói thấy bất ngờ vì trước đó bé bị ho, sổ mũi, bác sĩ bảo bé bị viêm họng do nhiễm siêu vi, bây giờ lại nói lồng ruột! Tuy nhiên, bác sĩ giải thích đây là một trong những biến chứng của nhiễm siêu vi.

 

Lồng ruột xảy ra do một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận. Lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng gặp nhiều nhất là ở lứa tuổi 4-9 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây lồng ruột, trong đó có nguyên nhân do viêm hạch của mạc treo ở ruột. Khi một số hạch bị viêm các nang bạch huyết sưng to sẽ nhô vào lồng ruột, cản trở nhu động của ruột khiến hai đoạn ruột kế cận chui vào nhau. Viêm hạch bạch huyết mạc treo lại có liên quan tới nhiễm siêu vi trùng. Do đó chúng ta thấy mùa xảy ra lồng ruột tăng cao cùng với mùa có tỉ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao nhất.

 

Phòng tránh lồng ruột trong mùa lạnh giống như phòng bệnh đường hô hấp: nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt, đưa bé đi tiêm ngừa văcxin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Khi bé ói nhiều kèm theo đau bụng, khóc thét từng cơn, phải nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện.

 

Theo BS Nguyễn Thành Úc

Tuổi trẻ