1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Loại cây phổ biến ở nước ta được xếp vào "tứ đại danh dược"

Hà An

(Dân trí) - Trong y học cổ truyền, quế được coi là một trong 4 vị thuốc rất có giá trị (sâm, nhung, quế, phụ). Vỏ và quả được dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị.

Lương Y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam, cho biết, tinh dầu quế giúp cải thiện trí tuệ con người, nâng cao sức tập trung, ghi nhớ… Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy, kích thích tuần hoàn máu…

Trong y học cổ truyền, quế được coi là một trong 4 vị thuốc rất có giá trị (sâm, nhung, quế, phụ). Ở các nước châu Âu, quế được sử dụng là thuốc chữa các bệnh đau bụng tiêu chảy, sốt rét, ho... Tại Ấn Độ, quế được sử dụng rộng rãi như một thứ gia vị chủ yếu để chế biến thức ăn.

Loại cây phổ biến ở nước ta được xếp vào tứ đại danh dược - 1

Nhiều công dụng của cây quế đã được y học hiện đại chứng minh (Ảnh: Shuterstock).

Theo y học hiện đại, cây quế chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Quế có thể kích thích hoạt động của não như một loại thuốc bổ, giúp giảm căng thẳng thần kinh và chứng suy giảm trí nhớ. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra chỉ cần dùng nửa thìa quế trong bữa ăn hàng ngày có thể giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Do vậy, ăn quế là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm lượng đường trong máu.

"Quế cũng là một trong những loại thảo dược có tác dụng điều trị sâu răng, trị hôi miệng. Nhai một mẩu quế nhỏ hay súc miệng với nước quế cũng giúp sạch miệng và mang lại hơi thở thơm tho. Nó cũng có khả năng chống khuẩn, chống nấm, chống virus", lương y Sáng nói. 

Theo Healthline, quế chứa các đặc tính chữa bệnh mạnh mẽ. Mùi và vị đặc trưng của quế là do phần dầu có hàm lượng rất cao trong hợp chất cinnamaldehyde. Các nhà khoa học tin rằng hợp chất này có tác dụng tốt với sức khỏe và sự trao đổi chất. 

Chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của quá trình oxy hóa do các gốc tự do gây ra. Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm cả polyphenol.

Trên thực tế, tác dụng chống oxy hóa của quế mạnh đến mức nó thậm chí có thể được sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm tự nhiên.

Ngoài ra, quế còn có các tác dụng khác như có đặc tính chống viêm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Theo một đánh giá, việc bổ sung ít nhất 1,5 gam hoặc khoảng 3/4 thìa cà phê quế mỗi ngày có thể làm giảm mức triglyceride, cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (có hại) và lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh chuyển hóa.

Một đánh giá khác của 13 nghiên cứu cho thấy quế có thể làm giảm mức triglyceride và cholesterol toàn phần, cả hai đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.

Quế cũng nổi tiếng với đặc tính hạ đường huyết. Ngoài tác dụng có lợi trong việc kháng insulin, quế còn có thể làm giảm lượng đường trong máu thông qua một số cơ chế khác.

Nó cũng đã được nghiên cứu rộng rãi về tiềm năng sử dụng trong phòng ngừa và điều trị ung thư. Hiện nay các bằng chứng chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật. 

Theo đó, quế giúp giảm sự phát triển của tế bào ung thư và sự hình thành mạch máu trong khối u và dường như gây độc cho tế bào ung thư, gây chết tế bào.

Một nghiên cứu trên chuột mắc bệnh ung thư buồng trứng cho thấy cinnamaldehyde có thể ngăn chặn sự biểu hiện của một số protein liên quan đến sự phát triển của ung thư.

Những phát hiện này được hỗ trợ bởi các thí nghiệm trong ống nghiệm, cho thấy cinnamaldehyde có thể làm giảm sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư buồng trứng.

Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá tác dụng chống ung thư tiềm tàng của quế ở người.

Lưu ý gì khi sử dụng quế

Lương y Sáng cũng lưu ý chúng ta không nên lạm dụng quế. Một số người có thể dị ứng với thành phần có trong quế. Ăn quá nhiều quế cùng một lúc có thể dẫn đến hạ đường huyết, gây ra tình trạng mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu… 

Lượng dùng quế an toàn là 6g quế hàng ngày, chỉ nên dùng trong 6 ngày sau đó nghỉ 1-2 ngày mới dùng tiếp.