Liệu pháp tế bào miễn dịch hiệu quả trên điều trị ung thư máu ra sao?

(Dân trí) - Theo công bố tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ tại Washington,D.C, liệu pháp thử nghiệm tế bào T sống đang tỏ ra rất có triển vọng trong điều trị bệnh giai đoạn muộn. Vậy cụ thể nghiên cứu này cho kết quả như thế nào?

Liệu pháp tế bào miễn dịch hiệu quả trên điều trị ung thư máu ra sao? - 1

Thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối

TS Stan Riddell và các đồng nghiệp tại Trung tâm ung thư Fred Hutchison (Mỹ) đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực sôi động này và đang tiếp tục cải tiến phương pháp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để vượt qua bệnh ung thư và nhiều bệnh khác.

Theo kết quả thử nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ tại Washington,D.C, 27 trong số 29 bệnh nhân ung thư máu giai đoạn muộn được nhận liệu pháp miễn dịch "sống" trong thử nghiệm lâm sàng đã thuyên giảm bệnh bền vững, theo kết quả sơ bộ của nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu ung thư FredHutchinson.

TS Stanley Riddell cho biết một số bệnh nhân tham gia thử nghiệm vào năm 2013, có tiên lượng ​không sống được quá vài tháng vì trước đó bệnh đã tái phát hoặc đã kháng với các điều trị khác. Hiện họ không còn dấu hiệu của bệnh.

TS Riddell, người đã nghiên cứu về cách “trao quyền” cho hệ miễn dịch để điều trị hiệu quả bệnh ở người trong hơn 25 năm, tin rằng những tiến bộ này, được nhấn mạnh bởi những kết quả mới nhất, cuối cùng sẽ biến liệu pháp miễn dịch "thành một trụ cột của điều trị ung thư”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo: "Giống như hóa trị và xạ trị, cách này không cứu được tất cả các bệnh nhân." Một số bệnh nhân có thể cần những biện pháp điều trị khác.

Thử nghiệm được thiết kế để kiểm tra độ an toàn của liệu pháp miễn dịch thử nghiệm phiên bản mới nhất, trong đó tế bào T của chính bệnh nhân được “lập trình lại” để xóa sổ bệnh ung thư của chính họ. Việc “lập trình lại” bao gồm biến đổi di truyền tế bào T bằng những phân tử tổng hợp gọi là thụ thể kháng nguyên khảm, hay CAR, cho phép chúng nhắm đến và phá hủy các tế bào ung thư mang một đích cụ thể. Các đối tượng trong thử nghiệm bao gồm bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp, u lympho không Hodgkin và bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Do các tế bào T có thể tiếp tục nhân lên sau khi truyền vào bệnh nhân, nên việc điều trị không phải thực hiện nhiều lần, như với các thuốc hóa trị mà cuối cùng sẽ bị giáng hóa và đào thải khỏi cơ thể. Và bằng cách đưa CAR vào hai thứ nhóm tế bào T đặc hiệu - một cách tiếp cận hoàn toàn mới tại Fred Hutchinson - các nhà nghiên cứu đã đạt được đáp ứng miễn dịch mạnh hơn và kéo dài hơn để chống lại bệnh.

TS Stanley Riddell
TS Stanley Riddell

Thử nghiệm trên bệnh u lympho

Trong một nhánh nghiên cứu đứng đầu gồm TS David Maloney và Cameron Turtle, các đồng nghiệp của TS Riddell, 27 trong số 29 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp không còn dấu vết của ung thư ở tủy xương sau khi truyền. 19 trong số 30 bệnh nhân u lympho không Hodgkin có đáp ứng một phần hoặc hoàn toàn.

Ở một số bệnh nhân, ung thư bị xóa sổ sau một liều duy nhất tế bào T biến đổi gen – TS Riddell đã trình bày những ví dụ về các bệnh nhân mà khối u biến mất trên phim chụp X quang trong vòng vài tuần sau khi truyền.

TS Riddell và các đồng nghiệp vẫn đang liên tục cải tiến quy trình. Gần đây họ đã sửa đổi quy trình liệu pháp tế bào T CAR nhằm làm cho cách tiếp cận này hiệu quả hơn và giảm những tác dụng phụ bao gồm các triệu chứng thần kinh và "hội chứng giải phóng cytokin" với sốt và tụt huyết áp.

Ví dụ, trong số các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu lympho cấp (ALL), nhóm nghiên cứu thấy rằng dùng liều tế bào T thấp nhất cho những bệnh nhân có gánh nặng ung thư cao nhất sẽ làm giảm nguy cơ bị những tác dụng phụ nghiêm trọng. Trước khi áp dụng cách tính liều theo nguy cơ này, 7 bệnh nhân bị ung thư nặng phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) do bị hội chứng giải phóng cytokine nặng; sau khi kết hợp với phác đồ dùng thuốc mới, không có bệnh nhân nào phải điều trị ở ICU.

Đồng thời, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm của TS Riddell và các phòng thí nghiệm khác tại Fred Hutchison đang phát triển thế hệ tiếp theo của tế bào T biến đổi gen, được mong đợi ​​sẽ an toàn hơn và dễ thiết kế hơn.

Thử nghiệm được tài trợ bởi Juno Therapeutics, ban đầu được hình thành dựa trên công nghệ của các nhà nghiên cứu tại Fred Hutch, Memorial Sloan-Kettering Cancer Center và Seattle Children's Research Institute để thương mại hóa những liệu pháp miễn dịch có triển vọng.

Cẩm Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm