Liệu pháp hỗ trợ rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư

Hà An

(Dân trí) - Rối loạn giấc ngủ rất thường gặp ở người bệnh ung thư. Có đến hơn 50% người bệnh bệnh ung thư gặp vấn đề về giấc ngủ, thậm chí tỷ lệ này có thể tới 80% ở người bệnh giai đoạn cuối.

Rối loạn giấc ngủ có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến người bệnh ung thư là mất ngủ và chu kỳ thức - ngủ bất thường. Có nhiều lý do khiến người bệnh ung thư khó ngủ, bao gồm:

- Thay đổi thể chất do bệnh lý ung thư hoặc điều trị.

- Lo lắng hồi hộp trước vào viện hoặc bắt đầu điều trị.

- Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

- Căng thẳng trong môi trường bệnh viện.

- Rối loạn nhịp sinh học trong và sau thời gian điều trị ung thư.

- Có các bệnh đi kèm hoặc đau đớn gây khó ngủ.

Liệu pháp hỗ trợ rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư - 1

Theo Bệnh viện K, tình trạng thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không chất lượng có thể khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, giảm đáp ứng điều trị, giảm tập trung và trí nhớ, từ đó gây giảm tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống nói chung.

Ngược lại, nghiên cứu đã chứng minh chất lượng giấc ngủ tốt có liên quan tới tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn, hiệu quả điều trị và chất lượng sống cao hơn.

Do đó việc cải thiện chất lượng giấc ngủ là một phần quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư, đặc biệt bắt đầu từ việc hình thành thói quen ngủ lành mạnh.

Một số phương pháp giúp điều chỉnh giấc ngủ hiệu quả ở người bệnh ung thư bao gồm:

- Tắm nước ấm trước khi ngủ để thư giãn các cơ bắp và mang lại giấc ngủ dễ dàng hơn tuy nhiên không tắm quá muộn.

- Tắt đèn khi đi ngủ và chỉ vào giường khi buồn ngủ. Nếu không ngủ trong vòng 15-30 phút, hãy đứng dậy và làm việc khác như nghe nhạc thư giãn, đọc một cuốn sách... khi nào buồn ngủ mới quay lại giường.

- Đảm bảo môi trường ngủ yên tĩnh, mát mẻ tối đa có thể.

- Cố gắng đi ngủ và thức dậy cùng thời điểm mỗi ngày.

- Ăn bữa tối nhẹ nhàng, ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ, tránh thức ăn quá nhiều năng lượng và cay vào bữa tối.

- Không dùng các chất kích thích như chè, cafe... đặc biệt trong vòng 6 giờ trước khi đi ngủ.

- Buổi tối hạn chế uống nhiều nước. Trước khi ngủ nên dùng các thực phẩm chứa tryptophan để dễ ngủ như bánh mì, ngũ cốc, sữa...

- Duy trì các hoạt động thể chất phù hợp với thể trạng để duy trì sức khỏe và thúc đẩy giấc ngủ ban đêm. Không nên tập luyện trong vòng 4-6 giờ trước khi đi ngủ.

- Hạn chế tối đa các giấc ngủ ngắn ban ngày, tăng các hoạt động có ý nghĩa ban ngày như trò chuyện, viết nhật ký, đọc sách...

Nhu cầu ngủ của mỗi người là khác nhau. Trong quá trình điều trị ung thư, nhu cầu ngủ có thể tăng lên một chút vì cơ thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà giấc ngủ vẫn chưa cải thiện, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn tâm lý và hỗ trợ thuốc nếu cần.

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể áp dụng ở người bệnh ung thư, giúp cải thiện chất lượng ngủ, giảm triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, ăn kém... Điều quan trọng là người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Lưu ý không tự dùng các loại thuốc lá, thuốc nam, thuốc bắc... không rõ nguồn gốc và có thể tương tác với các thuốc điều trị ung thư gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị chung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm