1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liên tục cháy nhà cao tầng: Cảnh giác ngộ độc chết người vì đồ nội thất

Hoàng Lê Như Hà

(Dân trí) - Theo chuyên gia, vật liệu xây dựng hay đồ trang trí nội thất ngày nay đa số được làm từ nhựa, khi cháy sẽ sinh ra nhiều loại khí khác nhau và có thể gây ngộ độc nguy hiểm tính mạng.

Những vụ hỏa hoạn nhà cao tầng luôn là nỗi kinh hoàng của người dân khi nhắc tới. Mới đây, vụ việc 3 chiến sĩ cảnh sát anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy ở Hà Nội khiến dư luận xót xa. Không lâu sau đó, 3 mẹ con tại Ninh Thuận cũng tử vong trong đám cháy tại căn nhà 2 tầng, dù lực lượng chức năng huy động cả máy xúc để giải cứu.

Đến ngày 15/8, Công an TPHCM phải điều động gần 20 cán bộ chiến sĩ đến giải cứu 3 người bị mắc kẹt ở tầng 5, tầng 6 căn nhà bị cháy tại quận Bình Thạnh, cũng như hướng dẫn 7 người ở các tầng còn lại thoát nạn bằng thang bộ...

Theo các chuyên gia, ngạt khí và ngộ độc khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ cháy nhà nói chung, cháy nhà cao tầng nói riêng. Vậy, những khí độc nguy hiểm nào sinh ra khi nhà cao tầng gặp hỏa hoạn?

Rủi ro "chết người" từ những thứ quen thuộc

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, ở những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc khiến những tòa nhà được thiết kế như một chiếc hộp, ít cửa sổ thông thoáng. Khi xảy ra hỏa hoạn, không gian cháy sẽ là không gian kín nên nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều khả năng gây ngạt khí.

Thêm vào đó, vật liệu xây dựng hay nội thất trong nhà ngày nay đa số được làm từ nhựa, khi cháy sẽ sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau. Nhựa polymer sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO), nhựa PVC sinh ra khí Hydrogen chloride (HCl).

Liên tục cháy nhà cao tầng: Cảnh giác ngộ độc chết người vì đồ nội thất - 1

Hỏa hoạn có thể sinh ra nhiều khí độc "chết người" (Ảnh: Trần Thanh).

Ngoài ra, các loại vật liệu bằng len, vải, nylon, polyurethane, urea-formaldehyde, acrylic fibre...khi cháy sẽ sinh ra khí HCN (hydrogen cyanide hay khí hydro cyanure), khí NH3 (amoniac), NO (Nitrogen monoc COCl2 (Phosgene)...

Bác sĩ Uyên Vy cho biết, những vật dụng quen thuộc trong nhà có thể trở thành "rủi ro" khi bắt lửa. Đặc biệt, trong không gian kín, nồng độ khí độc sẽ rất cao nên ngạt thở là điều khó tránh khỏi.

Tùy theo thành phần cấu tạo của các vật liệu trong nhà sẽ sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau. Trong đó, CO và HCN là hai khí nguy hiểm gây chết người ngay tại hiện trường cháy. "Khí CO nồng độ cao khiến cơ thể bị yếu liệt không thể cử động. Nạn nhân hít quá nhiều khí CO sẽ bị chết ngạt do tế bào hồng cầu trong máu không thể hấp thụ oxy" - chuyên gia phân tích.

Liên tục cháy nhà cao tầng: Cảnh giác ngộ độc chết người vì đồ nội thất - 2

Cảnh sát hướng dẫn người dân thoát ra khỏi đám cháy nhà cao tầng (Ảnh: Công an cung cấp).

Cũng theo bác sĩ Vy, nạn nhân ngộ độc khí CO khi được cho thở trong buồng oxy cao áp sớm có thể được cứu sống, Nhưng với ngộ độc khí HCN, nạn nhân thường chết nhanh tại hiện trường. Hiện tại, nước ta vẫn chưa có thuốc giải độc cho ngộ độc HCN, vì đây là trường hợp hiếm gặp và thuốc có giá thành cao nên các bệnh viện không mua về trữ trong thời gian dài. 

Làm cách nào để sống sót trong đám cháy?

Đặc biệt theo bác sĩ Vy, nhiều người lầm tưởng bình dưỡng khí trong nhà có thể cứu được nạn nhân ngộ độc khí, nhưng trên thực tế vật dụng này không có khả năng đó.

Chuyên gia giải thích, bình dưỡng khí không có hiệu quả cứu người trong tai nạn cháy nổ bởi đây không phải là thuốc giải độc đặc hiệu khi ngộ độc CO hay HCN. Việc cần thiết nhất khi xảy ra hỏa hoạn là tìm mọi cách thoát khỏi đám cháy để ra ngoài trời.

Liên tục cháy nhà cao tầng: Cảnh giác ngộ độc chết người vì đồ nội thất - 3

Bác sĩ Vy cho biết, bình dưỡng khí không có hiệu quả cứu người trong tai nạn cháy nổ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Để phòng chống và không bị ngộ độc khi cháy nhà cao tầng, bác sĩ Vy cho rằng phải chú ý từ việc lựa chọn vật dụng trong nhà, hạn chế trang trí nội thất bằng nhựa hoặc vật liệu nhẹ, vì nhựa khi cháy sẽ sinh ra khí HCN.

Quan trọng nhất là nâng cao cảnh giác và kiểm tra thường xuyên để không xảy ra hỏa hoạn, bởi khi có tai nạn thì khả năng thương vong chắc chắn có nếu nạn nhân không thoát ra kịp.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên trang bị tại nhà mặt nạ phòng độc chống khói để có thể thoát hiểm an toàn. Trong trường hợp không có mặt nạ, nên sử dụng khăn thấm nước để che phần mũi miệng hạn chế hít phải khí độc.

"Khí độc sinh ra thường có xu hướng bay lên trên, do có khối lượng riêng nhẹ hơn không khí, nên để thoát nạn cần phải cúi khom người và trườn ra khỏi đám cháy" - bác sĩ hướng dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm