Lây nhiễm H5N1: Không phụ thuộc vào thời tiết
(Dân trí) - Thời tiết khô lạnh giúp vi rút H5N1 tồn tại trong không khí 4 - 5 ngày. Còn với khí hậu nắng nóng thế này thì vi rút chỉ tồn tại từ vài chục phút. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm và bùng phát dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.
GS Nguyễn Đình Bảng (ảnh), Chủ tịch hội đồng khoa học chương trình nghiên cứu vắc xin H5N1 và vắc xin cúm người cho biết.
Thưa GS, từ trước tới nay dịch cúm gà chỉ bùng phát khi thời tiết khô, lạnh; nhưng năm nay, khi thời tiết hết sức nắng nóng, dịch cúm vẫn lan tràn ở nhiều tỉnh trên toàn quốc. Nhiều nghi ngờ cho rằng vi rút đã biến đổi?
Muốn biết vi rút có biến đổi hay không thì thực hiện các biện pháp sinh học, thú y. Tuy nhiên, điều này không phải là quá bất thường bởi thời tiết nắng nóng hay khô lạnh thì vi rút vẫn tồn tại trong huyết thanh của gia cầm, mà gia cầm thì luôn ở gần nhau dù thời tiết có thay đổi.
Dịch cúm gia cầm vừa tái phát tại 5 tỉnh, thành Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh, Sơn La và Cần Thơ. Mẫu bệnh phẩm của tất cả các đàn ngan, vịt ở các tỉnh này đều dương tính với vi rút cúm H5N1.
Tính đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 13 xã thuộc 10 huyện của 5 tỉnh, thành, với hơn 3.600 con ngan, vịt chết trong tổng đàn hơn 16.300 con.
Theo ông Ông Hoàng Văn Năm - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), lâu nay, dịch cúm gia cầm chủ yếu phát sinh vào mùa lạnh. Thế nhưng, năm nay, dịch lại tái phát đúng vào mùa hè, ở những ngày khí hậu nắng nóng. |
Đúng vậy, tuy nhiên khả năng lây nhiễm có giảm đi do vi rút chỉ có thể sống vài chục phút trong không khí ở nhiệt độ màu hè thay vì tồn tại 4-5 ngày khi gặp thời tiết khô, lạnh của mùa đông. Sở dĩ, cúm ở người hay xảy ra vào mùa đông do con người luôn có xu hướng ngồi gần với nhau và đóng kín cửa khi trời gió rét khiến không khí ít lưu thông hơn.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban đầu xác nhận trường hợp nhiễm virus H5N1, cảnh báo GS của trước hiện tượng này là…?
Trường hợp này cần phải có sự cách ly đặc biệt ngay cả với nhân viên y tế. Tuy từ trước tới nay trên thế giới chưa có xác nhận nào về sự lây nhiễm H5N1 giữa người với người nhưng cũng cần cảnh giác vì không ai có thể khẳng định chắc chắn là không có sự lây nhiễm này.
Vừa qua, GS cũng giới thiệu những thành công ban đầu trong việc chế tạo vắc xin cúm H5N1 dùng cho người. Bao giờ vắc xin này được ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng?
Loại vắc xin được sản xuất trên phôi gà và tế bào thận khỉ. Đây là công trình nghiên cứu ứng dụng của Cty Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm số 1 do tôi làm Chủ tịch hội đồng.
Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu và đã xác định có đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin này cho khỉ, chúng tôi đã báo cáo lên Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) và đề nghị Bộ Y tế và Bộ KHCN cho thí nghiệm trên người.
Nếu thành công, đây sẽ là loại vắc xin cúm H5N1 cho người đầu tiên trên thế giới.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Thanh Trầm (thực hiện)