Lập tức đóng cửa chợ gia cầm khi phát hiện cúm A/H7N9

(Dân trí) - Nếu Việt Nam phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H7N9 trên gia cầm hoặc trên người ở bất kỳ địa phương nào thì ngay lập tức các chợ gia cầm ở nơi đó sẽ phải đóng cửa để ngăn không cho dịch lây lan.

Đó là yêu cầu mới nhất của Ban chỉ đạo Quốc Gia phòng chống cúm gia cầm (BCĐQGVCGC).

Mặc dù đến thời điểm này, nước ta chưa phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H7N9 trên cả gia cầm và trên người, nhưng khả năng chủng cúm gia cầm mới này xâm nhập vào nước ta là rất cao do nước ta có đường biên dài tiếp giáp với Trung Quốc.

Trung Quốc đã áp dụng hiệu quả biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống
Trung Quốc đã áp dụng hiệu quả biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống

Hiện nay, dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang ngày càng tiến sát vùng biên nước ta khi tỉnh Quảng Tây (TQ), nơi tiếp giáp với 4 tỉnh biên giới của nước ta, đã phát hiện có vi rút cúm này.

Tại cuộc họp sáng nay, 20/2, BCĐQGVCGC cho biết hiện nay ngoài việc ngăn chặn gà lậu tràn qua biên giới thì nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát các chợ đầu mối và các chợ bán lẻ trong nước vì rất có thể vi rút cúm gia cầm A/H7N9 đã tiềm tàng trong đàn gia cầm nội địa mà chúng ta không hề hay biết.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang thực hiện việc đóng của định kỳ các khu chợ cứ 3 tuần nghỉ chợ 1 ngày để tiến hành tiêu độc, khử trùng. Đối với các chợ vùng biên giới thì tần suất đóng cửa chợ là cứ 2 tuần thì đóng một lần. Để ứng phó nhanh khi có phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H7N9, các chợ ngay lập tức phải đóng cửa để tiêu hủy gia cầm ngay tại chợ và truy xuất nguồn gốc của gia cầm bán vào chợ.

Theo các chuyên gia trong ngành, vi rút cúm A/H7N9 rất nguy hiểm vì nó chưa gây bệnh lâm sàng trên gia cầm nên biện pháp duy nhất để phát hiện là phải lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay, tại các tỉnh biên giới phía Bắc, việc lấy mẫu dịch họng gia cầm đi xét nghiệm đang được tiến hành theo chu kỳ 2 lần 1 tuần. Riêng 1 số tỉnh trọng điểm như Lạng Sơn, Quản Ninh, tần suất là 3 lần 1 tuần.

Gần đây, biện pháp đóng cửa chợ gia cầm đã được áp dụng ở Trung Quốc và đã cho thấy hiệu quả, giúp kiềm chế sự lây lan của vi rút cúm gia cầm A/H7N9.

Nguyên An