Lập khu cách ly riêng điều trị bệnh nhân MERS – CoV

(Dân trí) - Sáng 18/6 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát công tác phòng chống dịch bệnh MERS - CoV. Bộ trưởng yêu cầu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải lập khu cách ly riêng chỉ dành điều trị bệnh nhân tại cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội.

4 ca nhập viện giám sát trong một đêm

Bộ trưởng thị sát công tác phòng dịch MERS - CoV tại
Bộ trưởng thị sát công tác phòng dịch MERS - CoV tại 
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.H

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 3 tuần qua mỗi ngày có 2- 3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm MERS - CoV từ Hàn Quốc, từ Mỹ (quá cảnh qua Hàn Quốc) về Việt Nam. Riêng tối qua có 4 bệnh nhân vào viện để khám do có triệu chứng sốt, ho. Ngoài những ca có triệu chứng lâm sàng là sốt, ho thì một số trường hợp khi về Việt Nam tự động đến viện xin khám sàng lọc dù không có triệu chứng. Điều này cho thấy việc tuyên truyền và ý thức của người dân về MERS – CoV rất tốt.

Đặc biệt, đến BV Nhiệt đới Trung ương trong những ngày này có thể thấy hầu như 100% người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế… đều đeo khẩu trang y tế.

“Ý thức của người dân khá tốt. Khi chúng tôi thông báo tại BV đang có giám sát bệnh nhân nghi ngờ mắc MERS và yêu cầu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang tại BV thì mọi người đều có ý thức thực hiện rất tốt”, TS Kính nói.

Về công tác khám sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ MERS – CoV, TS Kính cho biết tại cơ sở 1 có 2 phòng khám riêng, có lối cầu thang riêng để khi nghi ngờ bệnh nhân được đưa lên phòng cách ly ngay. Còn tại cơ sở 2 ở Đông Anh đến nay có 4 trường hợp khám xét nghiệm, sau khi cách ly bệnh viện có xe cứu thương đón về bên này cách ly.

“Việc hai cơ sở cùng hoạt động vừa giúp giảm số lượng đến cơ sở 1 khám, vừa đảm bảo điều kiện cách ly cho người bệnh”, TS Kính nói.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết BV cũng đã triển khai tập huấn cho toàn bộ nhân viên y tế, sẵn sàng tăng cường, thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

BV Bạch Mai cũng sẵn sàng trong tình huống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải BV MERS – CoV sẽ dành toàn bộ khoa truyền nhiễm của BV để thu dung bệnh nhân. Khi có bệnh nhân nặng sẽ có các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Trung tâm chống độc hỗ trợ.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế  yêu cầu ngoài vấn đề giám sát sớm phát hiện ca bệnh thì việc quan trọng nhất vẫn là chống lây nhiễm, nhiễm khuẩn bệnh viện.

“Dịch bung ra ở Hàn Quốc, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu nhận thức của cán bộ y tế, cộng đồng về MERS và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Hầu hết bệnh nhân liên quan đến ca đầu tiên là cán bộ y tế,  người nhà tiếp xúc gần ngưuofi bệnh, bệnh nhân cùng phòng. Vấn đề chính là nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được kiểm soát đã gây lây lan, từ đó tử vong cao”, Bộ trưởng Tiến nói.

Vì dịch MERS – CoV, hàng loạt BV của Hàn Quốc cũng đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh nhân. Vì thế, Bộ trưởng chỉ đạo trong trường hợp có bệnh nhân MERS – CoV chỉ điều trị khu trú tại một địa điểm, không điều trị rải rác các bệnh viện sẽ tạo thành nhiều ổ dịch mới rất khó kiểm soát.

“Khi dịch xảy ra, cơ sở 2 của BV Bệnh Nhiệt đới phải là cơ sở điều trị chính, đảm nhiệm hoàn toàn việc điều trị BV MERS – CoV. Ngoài nhân lực, bệnh viện cần điều chuyển các máy móc, từ máy thở, ECMO… sẵn sàng cho điều trị về cơ sở 2”. Bộ trưởng chỉ đạo.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết, dù Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm MERS - CoV nhưng những biện pháp mà ngành y tế đang triển khai tương ứng với kịch bản 2 (khi ghi nhận bệnh nhân MERS) để toàn ngành y tế luôn chủ động, tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng đáp ứng ngay khi có bệnh nhân đầu tiên.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng cũng làm việc với UBND TP Hà Nội về phòng chống MERS – CoV.

Sở Y tế Hà Nội cho biết vẫn đang triển khai quyết liệt trong giám sát y tế người nhập cảnh. Các phương án cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi mắc bệnh; hệ thống y tế dự phòng củng cố đội phòng chống dịch cơ động… cũng đã được lên phương án sẵn sàng.

Tại buổi làm việc, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao việc Hà Nội đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch MERS – CoV. Từ khâu truyền thông (in ấn, cấp phát tờ rơi tại cửa khẩu, tuyên truyền công tác phòng dịch…) đến công tác  chuyên môn.  Tại các Bệnh viện trong địa bàn thành phố, việc phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu, các cán bộ, nhân viên y tế có tinh thần rất quyết tâm ngăn chặn khi dịch về Việt Nam.

"Bộ Y tế quyết tâm cao không để dịch vào Việt Nam. Trong trường hợp có bệnh nhân đầu tiên cần phải phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Tiếp tục trực 24/24h tại tất cả các bệnh biện, đặc biệt kiểm dịch y tế quốc tế phải đảm bảo thực hiện tốt vai trò của mình. Thành phố phải có phương án cách ly, đặc biệt Bộ y tế phối hợp, huy động sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, chính quyền, công an tại địa phương trong việc giám sát dịch tại cộng đồng và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch", Ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Tiến, Việt Nam phải biết rút kinh nghiệm từ khu vực nhiễm dịch như ở vùng Trung Đông và Hàn Quốc. Công tác kiểm dịch không tốt, nhân viên y tế nhận thức mức lây nhiễm không cao dẫn đến bệnh lây lan. "Chúng ta phải chặn dịch từ 3 phía, chặn từ cửa khẩu, từ cửa khẩu về nhà, từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng). Người dân cũng cần hạn chế không nên đi du lịch đến vùng có dịch", Bộ trưởng khuyến cáo.

Hồng Hải – Thu Hương