Làn khói thơm của thuốc lá điện tử đẩy bạn trẻ vào vũng lầy nghiện ngập
(Dân trí) - Hút để cai thuốc lá, hút vì bạn bè rủ rê hay thậm chí hút vì cảm thấy sành điệu... đó là lý do nhiều bạn trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử đưa ra giải thích cho thói quen này của mình.
Thuốc lá điện tử xâm nhập trường học
Trong quán nhậu, trên đường hay thậm chí là các quán nước cạnh trường học, hình ảnh các nhóm thanh niên tụm 5, tụm 3 phì phèo thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến.
Hút vì để cai thuốc lá, hút vì bạn bè rủ rê hay thậm chí hút vì cảm thấy sành điệu. Đó là lý do của nhiều bạn trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape, pod giải thích cho thói quen này của mình.
Bộ Y tế cảnh báo, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%.
Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15-24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25-44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45-64 tuổi (chiếm 1,4%).
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cảnh báo, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Học sinh phổi như người già vì thuốc lá điện tử
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo BS Nguyên, cho tới nay người ta ước tính có ít nhất khoảng 20.000 hóa chất hương liệu, các chất phụ gia khác trong thuốc lá điện tử. Đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà chúng ta không thể biết trước được.
Thậm chí có trường hợp thuốc lá điện tử bị trộn cả ma túy.
Rất nhiều hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh lý như: ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương ADN là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái tháo đường, bệnh tim mạch…
Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường.
Theo ghi nhận trong năm vừa qua, số liệu các ca nhập viện vì thuốc lá điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh gia tăng nhanh chóng
Từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận hơn 120 ca nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
BS Nguyên cũng thông tin về trường hợp cô gái 20 tuổi được đưa đến viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử mới đây.
Cô gái vốn có tiền sử khỏe mạnh. Ngay sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, cô xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền trong tình trạng hôn mê, da tái xanh, huyết áp tụt 60/40 mmHg, đồng tử co nhỏ 1mm.
"Hình ảnh chụp sọ não cho thấy giảm tỉ trọng nhân bèo, bán cầu tiểu não hai bên phù não lan tỏa. Hình ảnh chụp X-quang ngực thấy tổn thương lan tỏa 2 phổi", BS Nguyên cho biết.
Điển hình như tại khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, trong đó có cả học sinh cấp 2, cấp 3, không có bệnh mạn tính vào viện vì tình trạng viêm phổi. Đa số đều liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử.
Bệnh nhân nam 16 tuổi, vào viện vì đau tức ngực, ho khạc đờm và khó thở khi gắng sức. Khai thác tiền sử, người bệnh cho biết có sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè trong thời gian gần đây.
Nam sinh cho rằng thuốc lá điện tử ít nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống và bị bạn bè lôi kéo.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu, đờm, chụp phim cắt lớp vi tính ngực. Phim chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy tổn thương thâm nhiễm rộng thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, nguyên nhân ban đầu nghĩ đến do hút thuốc lá điện tử.
BSCKII Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp, cho biết: "Tình trạng của bệnh nhân diễn biến khá phức tạp. Mặc dù người bệnh còn rất trẻ, không có bất kỳ bệnh lý nền nào nhưng tổn thương ở phổi lại rất nặng nề, không khác gì ở người cao tuổi.
Chúng tôi đã phải áp dụng những biện pháp điều trị nhằm bảo tồn tối đa chức năng phổi của bệnh nhân".