Quảng cáo mập mờ không gây hại, thuốc lá điện tử xâm nhập giới trẻ

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo bà Phan Thị Hải, sự mới lạ của thuốc lá điện tử, kèm quảng cáo không gây hại đã đánh trúng vào tâm lý giới trẻ, khiến thuốc lá điện tử xâm nhập học đường nhanh chóng.

Ngày 18/11, phát biểu tại sự kiện tổng kết, trao giải báo chí cuộc thi Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá dành cho thiếu nhi năm 2023 diễn ra tại Hà Nội, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cảnh báo, xu hướng giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng phổ biến, và điều này rất nguy hại.

Quảng cáo mập mờ không gây hại, thuốc lá điện tử xâm nhập giới trẻ - 1

Ban tổ chức trao giải nhất cho em Lê Trọng Nhân học sinh lớp 8 A5 Trường THCS Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM (Ảnh: L.H).

Theo bà Hải, các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa đều chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, nhưng xu hướng sử dụng chúng lại đang gia tăng nhanh, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

"Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và hương vị hấp dẫn giới trẻ. Đặc biệt, thông điệp quảng cáo nhà sản xuất đưa ra rất dễ gây hiểu lầm không gây hại, đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của thế hệ trẻ, nhanh chóng xâm nhập vào trường học, dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh", bà Hải thông tin.

Cụ thể, theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.

"Chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ", bà Hải nói.

Trong khi đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng độc không kém, thậm chí còn hơn thuốc lá truyền thống. Vì không chỉ chứa chất gây nghiện nicotine, mà thuốc lá điện tử còn chứa hàng nghìn hương liệu, thậm chí bị trộn cả ma túy tổng hợp.

Thời gian gần đây, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử đến điều trị, trong đó nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn trong thuốc lá điện tử.

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá hằng năm là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và tổn thất mới chỉ cho 5 bệnh trong số 25 căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá dành cho thiếu nhi là hoạt động phối hợp giữ Trung ương Đoàn, Trung tâm Hướng dẫn hoạt động Thiếu nhi TW với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế.

Sau 2 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút trên 117.000  tác phẩm  tham dự. Đây là hoạt động hết sức thiết thực và lan tỏa nhằm giúp các em thiếu nhi có cơ hội tìm hiểu các kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá...

Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích. Ngoài ra 5 đơn vị tập thể được trao giải có nhiều bài dự thi có chất lượng và số lượng nhiều nhất  là Vĩnh Phúc (15.317 bài); Bắc Ninh (11.743 bài); Bình Dương (9.446 bài); Bắc Giang: 8196 bài; Long An: 7.591 bài.

Đa số thiếu nhi đã trả lời câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm đúng với đáp án; phần viết tự luận các em đã thể hiện rất phong phú, đa dạng, đúng với nội dung và yêu cầu.

Giải nhất cá nhân được trao cho em Lê Trọng Nhân học sinh lớp 8 A5 Trường THCS Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM.