1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lần đầu tiên thuốc điều trị viêm gan C được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán

(Dân trí) - Với chi phí điều trị từ 150 - 200 triệu, nay các thuốc điều trị viêm gan C được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán từ 30 - 50% sẽ tăng cơ hội tiếp cận điều trị của bệnh nhân viêm gan C.

Tại Hội nghị phổ biến Thông tư ban hành danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, việc BHYT thanh toán thuốc điều trị viêm gan C là một cơ hội với người bệnh. 

Bởi hiện nay, chi phí điều trị viêm gan C cho một bệnh nhân ở mức trung bình từ 150 - 200 triệu đồng/lộ trình điều trị. Chưa kể trong quá trình điều trị người bệnh phải đồng chi trả các xét nghiệm có chi phí lớn như xét nghiệm tải lượng vi rút, các xét nghiệm khác liên quan. Với mức chi trả từ 30 - 50% cho hai loại thuốc, nhiều người bệnh sẽ có cơ hội tiếp cận điều trị hơn.

“Điều trị viêm gan C theo lộ trình thì khoảng 75% bệnh nhân sẽ khỏi, 25% còn lại phải tìm các thuốc mới. Bệnh nhân viên gan C tại Việt Nam chiếm khoảng 7% dân số nhưng chỉ có khoảng hơn 0,1% trong số này (6 - 8 nghìn bệnh nhân) được tiếp cận điều trị do trước đó chi phí điều trị quá đắt đỏ. Trong khi đó, viêm gan C nếu không điều trị sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư, khi đó chi phí điều trị sẽ lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn không mang lại hiệu quả”, TS Kính nói.

Một đại biểu cũng chia sẻ, quyết định đưa thuốc điều trị viêm gan C vào danh mục thuốc BHYT chi trả là rất đúng đắn. Bởi với bệnh nhân viên gan C có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền điều trị viêm gan C theo lộ trình thì họ vẫn phải điều trị khi có triệu chứng và trong các đợt cấp của viêm gan C. 

Thực t,ế hàng năm tại khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện vẫn phải tiếp nhận bệnh nhân viêm gan C điều trị triệu chứng. Chi phí điều trị trong nhiều năm liên tiếp đến khi bệnh diễn biến thành xơ gan, ung thư gan là một số tiền không nhỏ, không kém gì chi phí cho lộ trình điều trị viêm gan C bằng thuốc.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện cũng đang phối hợp với công ty thuốc để hỗ trợ thuốc Peg-Interferon cho bệnh nhân với hình thức: giảm thanh toán thêm 11% giá gốc của thuốc, đồng thời được hỗ trợ 1 lọ thuốc/tháng (mỗi tháng 4 lọ). Còn lại quỹ BHYT sẽ chi trả theo quy định (30% giá thuốc). “Tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp tình thế. Về lâu dài, Bộ Y tế cũng cần có những quy định cụ thể hơn để thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, khó khăn, cùng quẫn được giúp đỡ”, TS Kính chia sẻ.

Tại Hội nghị, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, bên cạnh việc đưa thuốc điều trị viêm gan C vào danh mục thuốc BHYT chi trả, Bộ Y tế cũng phối hợp với các công ty dược hỗ trợ tiền thuốc đắt tiền cho bệnh nhân ung thư tại 7 bệnh viện TƯ điều trị ung thư, bao gồm thuốc Glivec với mức điều trị 50 triệu đồng/tháng, hơn 600 triệu đồng/năm và thuốc Tansigna (85 triệu đồng/tháng, gần 1,1 tỷ/năm). Đây là hai loại thuốc điều trị bệnh ung thư bạch cầu, dạ dày, ruột. Đối tượng là bệnh nhân có BHYT trên 36 tháng, trẻ em dưới 6 tuổi. Khi đó, quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí, còn công ty dược thanh toán 60% còn lại (bằng thuốc). 

Ngoài ra còn có chương trình dành cho bệnh nhân không có BHYT hoặc BHYT dưới 36 tháng. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ thuốc Glivec 100% (bằng thuốc) và thuốc Tansigna thì bệnh nhân chỉ phải trả 0,5 tháng tiền thuốc còn công ty dược sẽ hỗ trợ 11,5 tháng (gần 1 tỷ đồng/năm). Chương trình này đã kéo dài từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ được gần 10.000 bệnh nhân ung thư. Hiện chương trình tiếp tục ký kết với tiếp tục thực hiện đến hết năm 2019.

Bộ Y tế cho biết danh mục thuốc BHYT sẽ tiếp tục được cân nhắc, cập nhật đảm bảo đủ các loại thuốc cơ bản nhất, tốt nhất trong điều trị các loại bệnh. Bên cạnh đó, các loại thuốc đắt tiền như thuốc chữa viêm gan C, một số loại thuốc chữa ung thư đang được đưa dần vào thanh toán theo lộ trình. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các đơn vị, cố gắng hỗ trợ các thuốc điều trị đắt tiền cho người bệnh đến mức tối đa.

Hồng Hải