1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm thế nào để học thi cho tốt?

Mùa thi là khoảng thời gian học sinh, sinh viên mong muốn có sự tỉnh táo, trí nhớ thật tốt để học và thu nhận khối lượng lớn kiến thức. Vậy phải làm gì để học thi cho tốt? Có loại thuốc nào giúp tăng trí nhớ, chống mỏi mệt, chống buồn ngủ để học dồn, học rút được không?

* Hỏi: Để học tốt và đạt kết quả tốt nhất cho các kỳ thi, đầu tiên cần lưu ý điều gì?

 

Để có trí nhớ tốt và cả sức khỏe tốt trong mùa thi, trước hết nên lưu ý đến phương pháp học tập, ôn tập. Làm thế nào để trong thời gian học thi còn có sự nghỉ ngơi, thư giãn. Hoàn toàn nên tránh lối học "nước tới chân mới nhảy", không chịu học ôn tập ngay từ đầu mà lại đợi cận kề ngày thi mới học dồn học nén, học đêm học ngày, học như thế rất có hại cho sức khỏe.

 

Nên lưu ý, trí não của ta chỉ hoạt động có hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ, sau đó cần được nghỉ giải lao hoặc chuyển sang hoạt động chân tay độ 15 - 20 phút rồi mới hoạt động trí não trở lại.

 

Người học thi theo kiểu "nước tới chân mới nhảy" rất dễ bị stress như thiếu an tâm, chỉ sợ học không kịp, tình trạng bị stress sẽ gây giảm trí nhớ, thậm chí đầu óc có thể bị "trống rỗng". Ở đây cũng cần lưu ý, gây stress cho các em còn có việc các bậc cha mẹ gây áp lực, thúc ép các em học quá đáng.

 

Khi đang học thi, các bạn trẻ cần quan tâm đến chế độ ăn uống như thế nào?

 

Khi học thi, để có trí nhớ và cả sức khỏe tốt trong mùa thi, cần lưu ý đến chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dưỡng chất. Chú ý dùng đủ các thực phẩm như sữa (trong thời gian học thi mỗi ngày nên uống một ly sữa), trứng, thịt, cá, rau quả, đặc biệt nên dùng thêm các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành. Các loại thực phẩm vừa kể chứa nhiều dưỡng chất rất cần cho hoạt động trí não, tức hỗ trợ cho trí nhớ của ta.

 

Có nên uống cà phê, trà đậm cho tỉnh táo khi phải thức đêm để học?

 

Do cà phê, trà đậm có chứa cafein là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương làm cho tỉnh táo chống lại cơn buồn ngủ nên nếu uống vào ban ngày, đặc biệt vào buổi sáng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên với các bạn trẻ đang học thi hoàn toàn không nên lạm dụng để thức đêm học thi, thức theo kiểu thâu đêm suốt sáng.

 

Nên lưu ý buồn ngủ là dấu hiệu cho biết cơ thể đã mỏi mệt cần sự nghỉ ngơi. Dùng chất kích thích cho tỉnh táo vào lúc này là sự đánh lừa, làm cho cơ thể phải hoạt động quá sức của nó. Sau giai đoạn dùng chất kích thích, cơ thể sẽ mỏi mệt, suy sụp nhiều hơn, thậm chí trí óc không còn đủ sức tập trung nhớ những gì đã học.

 

Có loại thuốc nào "bổ não sáng trí" tạo ra trí nhớ?

 

Về thuốc gọi là "bổ não sáng trí" cần ghi nhận mấy điều sau:

 

- Cho tới nay, chưa có loại dược phẩm nào tạo ra trí nhớ, trí thông minh.

 

- Các thuốc được cho là "bổ óc" như trước đây có cervotonic (acid glutamic + vitamin B1), nay có Glutaminol B6, Pho-L (DL-phoshoserin + L-glutamin + vitamin B12) chỉ dùng trị suy nhược chức năng, không tạo ra trí thông minh.

 

- Thuốc trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi: Glycerylphosphorylcholin, Citicholin, Ginkgo Biloba, Piracetam... dùng để trị bệnh cho người cao tuổi, cho người bị thương tổn ở hệ thần kinh, không bao giờ dùng để học thi.

 

Trước đây, không ít học sinh đã dùng Amphetamin với tên biệt dược thông dụng là Maxiton để học thi. Thuốc này một thời gian bị lạm dụng vì có tác dụng kích thích mạnh lên hệ thần kinh làm mất sự buồn ngủ, đỡ mỏi mệt và trong giai đoạn nào đó gây cảm giác được xem là tỉnh táo sáng suốt. Mới dùng thuốc thì thấy tác dụng tốt nhưng dùng lâu dài thì tác hại vô kể.

 

Trước hết, Amphetamin gây chán ăn, làm cho sụt cân, run tay, tim hồi hộp. Dùng lâu, sẽ bị tăng huyết áp, nhức đầu, có thể mất ngủ luôn, suy nhược, tâm trí rối loạn (có một số người dùng thuốc sau đó bị bệnh tâm thần). Đặc biệt, sau thời gian kích thích sẽ là giai đoạn chán nản, buồn bực và đã có bạn trẻ tự tử vì dùng thuốc. Điều đáng nói hơn cả là thuốc có tác dụng gây nghiện (giống như nghiện ma túy).

Hiện nay, Amphetamin với tên biệt dược là Maxiton không còn được sử dụng, nhưng những dẫn chất của Amphetamin với tác dụng kích thích làm cho thức và giảm đói chống béo phì còn lưu hành. Gần đây, báo chí còn đề cập đến Ecstasy. Ở ta gọi Ecstasy là thuốc lắc cũng có tác dụng gây kích thích giúp tỉnh ngủ nhưng rất nguy hiểm vì sẽ gây nghiện ngập.

 

Cách đây không lâu, tôi cũng được nghe kể một trường nọ, giáo viên phát hiện một số học sinh dáng vẻ ngầy ngật, lơ là học tập, qua tìm hiểu mới biết các em đã rủ nhau dùng thuốc Seduxen. Có em thú thật, nghe bạn bè nói uống thuốc này giúp tăng trí nhớ, mau thuộc bài (!). Đây cũng là trường hợp thiếu hiểu biết, dùng sai thuốc rất tác hại.

 

Không chỉ Seduxen, mà một số loại thuốc khác như: Séconal (tiếng lóng "sì cọt"), Imménoctal ("Imê"), Rohynol ("rô cam" "rô hồng") là các thuốc ngủ, thuốc an thần và gây nghiện lại được một số bạn trẻ lạm dụng với mục đích để có "sự hưng phấn, sự sáng suốt để học thi". Xin nhấn mạnh, đây là các loại thuốc dùng sai rất tai hại và dùng chúng thì không bao giờ có được sự tập trung, sáng suốt để học hành tốt trong các kỳ thi.

 

Theo TS-DS Nguyễn Hữu Đức

Đại học Y dược TPHCM/Tuổi trẻ