Lạm dụng xét nghiệm chiếu, chụp: Mạnh ai nấy làm, sao tin nhau được!

Tại sao lại có tình trạng ít khi công nhận kết quả các kỹ thuật cận lâm sàng trước đó mà bắt bệnh nhân điều trị phải thực hiện lại các xét nghiệm? Câu trả lời của quan chức Bộ Y tế, chuyên gia y tế và lãnh đạo BV như thế nào về vấn đề này?

 

Lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

Lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

 

Chênh lệch về thiết bị và chuyên môn

 

 Chẳng hạn, cùng một chỉ định xét nghiệm máu kiểm tra cholesterol, Acid uric, SGOT... được lấy tại 3 BV ở TPHCM trong cùng buổi sáng đã cho 3 kết quả khác nhau thậm chí mức chênh lệch các chỉ số quá lớn. BS N.N - BV Chợ Rẫy - cho rằng, lâu nay, việc sai số trong xét nghiệm giữa các BV có thể xảy ra nhưng trong giới hạn cho phép.

 

 Với các kết quả chỏi nhau thì có thể trả lời tại sao các BV khó có thể chấp nhận được kết quả của nhau. Có thể do máy móc cũ, mới, hoá chất xét nghiệm của các hãng khác nhau và cuối cùng là do tay nghề của các BS trong lĩnh vực cận lâm sàng.

 

 Tại sao các BV không tin kết quả xét nghiệm của nhau cũng là điều rất dễ hiểu. Đại diện Cty trang thiết bị kỹ thuật y tế TPHCM cho biết, thống kê sơ bộ trên địa bàn TPHCM có khoảng 200 Cty chuyên kinh doanh các loại máy móc, thiết bị y tế và có đến hàng trăm loại máy xét nghiệm cho một loại bệnh, chưa có chuẩn cụ thể nhưng giá cả và chất lượng chênh nhau rất lớn.

 

 Còn trong lĩnh vực nhân sự xét nghiệm được lấy từ nhiều nguồn: BS đa khoa, dược sĩ, cử nhân sinh học, cử nhân hoá học và nhiều nơi còn xã hội hoá máy móc nên được các Cty cùng hợp tác đưa nhân sự của mình vào điều khiển chỉ mới đạt trình độ kỹ thuật viên. Thuốc thử cũng được cung cấp bởi rất nhiều nguồn, nhiều nhà sản xuất, nhiều giá.

 

 TS-BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - đưa ra ý kiến: “Nơi nào điều trị thì nơi đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước người bệnh. Vì thế, các BV thường đặt lợi ích cho bệnh nhân lên hàng đầu. Không thể vì một hai cơ sở lạm dụng xét nghiệm mà quy chụp cho cả ngành được. Trong điều trị, có khi bệnh nhân mới chụp phim tức thì nhưng phim mờ và BS có thể yêu cầu chụp lại để nhìn rõ hơn và chẩn đoán bệnh chính xác. Nếu trường hợp trên mà khẳng định lạm dụng xét nghiệm và không thanh toán thì không hợp lý. Cần phải có chuẩn máy móc, chuẩn xét nghiệm, có như thế thì mới tin nhau được”. 

 

Sai số vì thời gian

 

 Lý giải việc bệnh viện tuyến trên không chấp nhận kết quả xét nghiệm tuyến dưới, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: “Có những bệnh nhân phải làm xét nghiệm lại vì thời gian làm trước đó đã lâu, không còn giá trị chẩn đoán. Cũng có những xét nghiệm thay đổi theo từng thời điểm khác nhau nên cần phải làm lại để có chẩn đoán và xử lý kịp thời, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu người bệnh, hoặc khi người bệnh đã cần phải chuyển về tuyến T.Ư có nghĩa là tình trạng bệnh khó hoặc khá trầm trọng, phải khám, kiểm soát sớm tình trạng bệnh trong vòng 24h đầu là việc cần làm.

 

 Nhưng ngoài ra, tay nghề của bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, trang thiết bị máy móc không giống nhau, nên một số BV tuyến trên đã yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm lại. Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, tăng cường kiểm định kết quả của các phòng xét nghiệm. Bộ cũng đã ban hành Thông tư 01/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại các BV, chất lượng xét nghiệm sẽ từng bước được nâng cao”.

 

Theo ông Phạm Lê Tuấn,Thứ trưởng Bộ Y tế - thì việc chăm sóc sức khỏe phải có xét nghiệm rất đầy đủ để sàng lọc loại trừ. Ở giai đoạn đầu tiên người bệnh có thể chỉ có 1 triệu chứng của bệnh khi xét nghiệm chỉ có triệu chứng này, nhưng vài ngày sau có thể bệnh chuyển biến nên cần phải xét nghiệm lại. Người dân chưa hiểu lại cho rằng đó là xét nghiệm quá nhiều.

 

 Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các BV cần thành lập các hội đồng chuyên môn để xác định xem các cán bộ y tế có làm đúng quy trình điều trị, phác đồ.

 

Ông Tuấn cho biết thêm: “Về lý thuyết, khi người bệnh chuyển lên tuyến trên, nếu sử dụng được kết quả xét nghiệm chiếu chụp trước đó đã thực hiện ở tuyến dưới thì là điều tốt nhất, tiết kiệm nhất. Nhưng về chuyên môn, nhiều trường hợp cũng không thể làm như vậy được vì diễn biến bệnh trong thời gian ngắn đã thay đổi".

 

 Vừa qua, ngành y tế đã công nhận một số việc để các BV công nhận kết quả lẫn nhau và đã nảy sinh một số vấn đề cần nghiên cứu tiếp.  Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị ban hành quy trình xét nghiệm chuẩn theo bộ tiêu chí quốc tế, phiên bản vào VN để đảm bảo chất lượng xét nghiệm cho phép các BV có cơ sở hơn khi thừa nhận các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của nhau.

 

Theo Võ Tuấn – Nguyễn Hằng

Lao động