Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da được thực hiện như thế nào?
(Dân trí) - Theo bác sĩ, để thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, thay van động mạch chủ qua da (còn được gọi là thay van động mạch chủ qua ống thông - TAVI) là một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại nhất thế giới.
Kỹ thuật này được áp dụng trong điều trị hẹp van động mạch chủ nặng - một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể gây đột tử, suy tim, nhồi máu cơ tim… dẫn đến tử vong. Phương pháp TAVI phù hợp với người bệnh hẹp van động mạch chủ lớn tuổi, thể trạng sức khỏe yếu và nhiều bệnh lý đi kèm.
Ưu điểm của TAVI là giúp người bệnh giảm đau, hồi phục nhanh, hạn chế các biến chứng trong và sau khi thực hiện. Tuy nhiên, mỗi người bệnh hẹp van động mạch chủ lại có các bệnh nền, cấu trúc và tổn thương van tim khác nhau.
Do đó, để đạt hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Giáo sư Trương Quang Bình, chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, với kỹ thuật TAVI, các bác sĩ sẽ thực hiện việc đưa dụng cụ nằm trong ống thông đi từ một mạch máu lớn từ đùi, để đưa dụng cụ đến ngay chỗ van động mạch chủ bị hẹp.
Khi dụng cụ được đưa đến ngay chỗ van động mạch chủ bị hẹp, thủ thuật viên sẽ đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Lúc này, van nhân tạo "bung" ra với hình dạng cũ và sẽ hoạt động như một van tim bình thường.
Thủ thuật thay van động mạch chủ qua da tương đối nhẹ nhàng và đơn giản hơn so với biện pháp điều trị phẫu thuật thay van động mạch chủ thông thường, giúp bác sĩ không cần mở ngực người bệnh, không cần phải chạy máy tim phổi nhân tạo. Nhưng giá của dụng cụ cao cũng là trở ngại với người eo hẹp về tài chính.
Trước khi thực hiện TAVI, bệnh nhân sẽ trải qua những xét nghiệm, cận lâm sàng như: xét nghiệm máu; siêu âm tim; đo điện tim; chụp CT động mạch chủ ngực - bụng; chụp X-quang... Bệnh nhân cũng được tư vấn việc cân nhắc gây mê toàn thân hoặc dùng thuốc an thần với liều lượng phù hợp.
Bên cạnh các ưu điểm, kỹ thuật TAVI này cũng có thể dẫn đến những biến chứng hiếm gặp, như: Đột quỵ, rối loạn nhịp tim, biến chứng chảy máu, suy thận, phản ứng với thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác... Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán và tư vấn kỹ trước khi lựa chọn thực hiện.