Kỹ thuật ECMO - Cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng
(Dân trí) - Những ca bệnh suy hô hấp cấp, suy tim cấp tưởng như đã vô phương cứu chữa nhưng nhờ kỹ thuật ECMO bệnh nhân đã từ cõi chết trở về. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật mới, chi phí điều trị rất cao.
Cứu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở
Cuối năm 2014, bệnh nhân N.V.B. (24 tuổi, ngụ tại Long An) được chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng gãy xương đùi, gãy 2 xương cẳng chân bên trái, gãy cánh tay trái, dập phổi, tràn máu màng phổi do tai nạn giao thông. Biến chứng thuyên tắc mỡ cùng với tình trạng dập phổi, gây suy hô hấp nặng khiến anh B. bị ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ phải nỗ lực hồi sức sốc điện tim, song các phương pháp can thiệp bình thường không mang lại kết quả.
Bệnh nhân được chuyển khẩn cấp về khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, ngay lập tức phương pháp ECMO được thực hiện. Sau 23 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã cải thiện ô xy hóa máu, mạch, huyết áp trở về ngưỡng bình thường qua cơn nguy kịch. Sau gần 2 tháng nằm viện, anh V.B. đã từ cõi chết trở về trong niềm vui của gia đình và cả y bác sĩ.
Tiếp đó, ngày 28/2/2015 nữ bệnh nhân N.T.A. (34 tuổi, công nhân khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM) nhập viện trong tình trạng khó thở, được chẩn đoán ban đầu suy tim cấp, biến chứng choáng tim nặng, rối loạn nhịp. “Đây là một ca bệnh rất khó, những tưởng bệnh nhân đã không qua khỏi. Chúng tôi đã hồi sức tích cực, đánh sốc điện, chuyển nhiệt nhiều lần, điều trị chuyên khoa Nội tim mạch nhưng không đáp ứng. Phương pháp ECMO tĩnh động mạch hỗ trợ tuần hoàn được áp dụng, chỉ sau 7 ngày tình trạng bệnh nhân đã nhanh chóng bình phục, đến ngày 11/4 bệnh nhân đã được xuất viện”, BS Trương Dương Tiển, Phó khoa Hồi sức Ngoại thần kinh cho hay.
Mới đây, bệnh nhân V.N.H. (23 tuổi, đang mang thai 36 tuần, ngụ tại Tri Tôn, An Giang) được chuyển đến Chợ Rẫy ngày 23/3 trong tình trạng mệt, khó thở. Một ngày sau nhập viện bác sĩ đã phải chấm dứt thai kỳ. Bé gái 2,6kg chào đời nhưng không có mẹ chăm sóc nên phải chuyển sang khoa Dưỡng nhi, bệnh viện Hùng Vương. Hy vọng cứu sống người mẹ trở nên mong manh khi chị rơi vào tình trạng viêm phổi nặng, phương pháp thở máy thông thường không đáp ứng.
Bệnh nhân đã được chỉ định điều trị ECMO hỗ trợ tình trạng suy hô hấp. Sau 35 ngày điều trị với 3 lần thay màng lọc, bệnh nhân đang dần bình phục. Ngày 5/5, bệnh nhân đã cai được máy ECMO chuyển sang thở máy với tiên lượng rất khả quan. Một nữ bệnh nhân khác bị viêm cơ tim cấp cũng đang được điều trị băng phương pháp ECMO tại bệnh viện Chợ Rẫy.
ECMO kỹ thuật chuyên sâu nhất trong hồi sức
Để kịp thời ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, từ năm 2010 bệnh viện Chợ Rẫy đã cử bác sĩ sang nước ngoài học tập về kỹ thuật ECMO. Từ năm 2011 đến nay, kỹ thuật này đã được áp dụng trong điều trị tại bệnh viện với kết quả rất khả quan. Theo phân tích của ThS.BS Trương Dương Tiển, ECMO là phương pháp ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập suy hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp.
Đây là một trong những kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh. Trước đây, những trường hợp phải hỗ trợ thở máy nếu lượng bão hòa ô xy máu của bệnh nhân không đạt người bệnh sẽ tử vong. Nay phương pháp ECMO được sử dụng cho những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng không đáp ứng với việc hỗ trợ thở máy và bệnh nhân bị suy tim cấp như viêm cơ tim cấp do vi rút và suy tim cấp nặng mà các phương pháp điều trị thông thường không cải thiện được.
Hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp. Máu được đưa ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với ô xy trước khi trả lại về tĩnh mạch để đi vào cơ thể. Tương tự, việc lấy máu từ tĩnh mạch qua hệ thống màng lọc nhưng được trả về động mạch sẽ được áp dụng cho những trường hợp cần hỗ trợ tuần hoàn (hỗ trợ tim). Sau 4 năm ứng dụng kỹ thuật trên, bệnh viện Chợ Rẫy đã can thiệp cho hơn 20 trường hợp. Tỷ lệ cứu sống của hỗ trợ hô hấp đạt khoảng 75%, tỷ lệ hỗ trợ tim đạt 67%.
ThS.BS Trương Dương Tiển nhấn mạnh: “Trước khi có kỹ thuật này những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp hoặc viêm cơ tim cấp không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thương chắc chắn sẽ tử vong. Từ khi kỹ thuật ECMO được áp dụng đã giúp cứu sống được nhiều người bệnh trong tình trạng tưởng như vô phương cứu chữa. Đây là kỹ thuật rất cao trong hồi sức, là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân khi các phương pháp khác đã không mang lại kết quả”.
Hiện kỹ thuật ECMO mới chỉ áp dụng ở một số bệnh viện trên cả nước, chỉ những bác sĩ đã qua đào tạo mới có thể thực hiện được.
Vân Sơn