Kit test nhanh Covid-19 "nhan nhản" chợ mạng: Coi chừng tiền mất tật mang

Minh Nhật

(Dân trí) - Những bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán trên các trang thương mại điện tử với giá trên dưới 500.000đ. Theo nhận định của chuyên gia, có nhiều rủi ro khi người dân sử dụng các sản phẩm này.

Kit test nhanh Covid-19 "nhan nhản" chợ mạng

Thời gian vừa qua trên sàn thương mại điện tử, một số cá nhân đã rao bán sản phẩm kit test nhanh Covid-19, để người dân có thể tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà.

Kit test nhanh Covid-19 nhan nhản chợ mạng: Coi chừng tiền mất tật mang - 1

Một bộ kit test nhanh Covid-19 được rao bán trên sàn thương mại điện tử.

Điển hình là sản phẩm mang tên "Covid-19 Ag Home Test" được một tài khoản mạng xã hội có địa chỉ tại TPHCM rao bán.

Theo lời quảng cáo của người bán, đây là bộ dụng cụ tự xét nghiệm Covid-19 đã được cấp phép và sử dụng rộng rãi ở Hàn Quốc, còn ở Việt Nam chưa được cấp phép.

Một bộ kit gồm có: thiết bị kiểm tra, tăm bông vô trùng, lọ đựng dung dịch và nắp vòi, giấy hướng dẫn, túi đựng chất thải.

Kit test nhanh Covid-19 nhan nhản chợ mạng: Coi chừng tiền mất tật mang - 2

Mỗi bộ kit xét nghiệm có xuất xứ từ Hàn Quốc sẽ có giá giao động từ 400-500.000 đồng/lần sử dụng. Mua càng nhiều, giá sẽ càng rẻ.

Theo hướng dẫn của người bán, cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần dùng tăm bông lấy dịch ở mũi sau đó bơm dung dịch và chỉ sau 15 phút sẽ có kết quả.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, mỗi bộ kit xét nghiệm có xuất xứ từ Hàn Quốc sẽ có giá dao động từ 400-500.000 đồng/lần sử dụng. Mua càng nhiều, giá sẽ càng rẻ.

Nhiều rủi ro cho cộng đồng

"Việc người dân tự mua các sản phẩm kit test nhanh Covid-19 trôi nổi trên thị trường để làm xét nghiệm tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro", đó là nhận định của TS Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

Kit test nhanh Covid-19 nhan nhản chợ mạng: Coi chừng tiền mất tật mang - 3

TS Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

Theo TS Duyệt, các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 phải được Bộ Y tế cấp phép thì mới được phép lưu hành, kết quả mới có tính chính thống. Trong khi đó, các sản phẩm kit test nhanh trôi nổi trên mạng internet rất khó để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán khẳng định Covid-19 hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, là phương pháp RT-PCR.

"Các bộ kit test nhanh hiện trong nước và nước ngoài sản xuất rất nhiều. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, các bộ kit này chỉ mang tính chất hỗ trợ hoặc dùng để sàng lọc nhanh", TS Duyệt cho hay.

TS Duyệt lấy ví dụ, trong một đơn vị, khu dân cư hay hiện tại như các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã được phong tỏa, nghĩa là tất cả nguồn lây nhiễm đã được cách ly khỏi cộng đồng thì có thể dùng kit test nhanh để sàng lọc nhanh các trường hợp dương tính, từ đó đánh giá mức độ lây nhiễm và có giải pháp dập dịch phù hợp.

"Kit test nhanh chỉ khuyến cáo dùng cho các cộng đồng bị phong tỏa cần sàng lọc nhanh vì thông thường chỉ mất 15 phút để có kết quả, trong khi với phương pháp PCR phải mất nhiều giờ đồng hồ", TS Duyệt phân tích.

Việc người dân tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà bằng các bộ kit test nhanh mua trên mạng, theo TS Duyệt dễ dẫn đến kết quả không chính xác.

Ông chia sẻ: "Như đã đề cập, các bộ kit test nhanh chỉ mang tính chất hỗ trợ. Bộ xét nghiệm này cho kết quả nhanh nhưng lại kém nhạy với các trường hợp dương tính vừa và yếu, lúc đó có thể bỏ sót người mang mầm bệnh".

Bên cạnh đó, một yếu tố khác gây ảnh hưởng lớn đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm chính là sai sót trong quá trình thao tác. Chưa kể tới việc hàng hóa trôi nổi không rõ xuất xứ, không có gì để đảm bảo tính xác thực khi sử dụng.

TS Duyệt cho biết: "Các nhân viên y tế phải được đào tạo nhiều năm mới được tiến hành xét nghiệm. Trong khi đó người dân không có chuyên môn dễ thao tác sai nhất là trong khâu lấy mẫu ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm".

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, nguy hiểm nhất là người dân tự làm xét nghiệm và có kết quả âm tính giả (cơ thể có mang virus SARS-CoV-2 nhưng kết quả xét nghiệm âm tính).

Nếu người dân tin vào kết quả này và chủ quan trong các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vô tư di chuyển và tiếp xúc với nhiều người, không tuân thủ nguyên tắc 5K sẽ gây rủi ro rất lớn cho cộng đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm