1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng ô mai ngâm, tẩm ướp nổi váng đen sệt

Mơ, mận mua về được ngâm muối trong những hố dưới đất, váng đen nổi lềnh bềnh. Khi đã ngấm đủ muối, hàng được vớt ra, phơi nắng và chuyển đi làm ô mai.

Kinh hoàng ô mai ngâm, tẩm ướp nổi váng đen sệt

Hố ngâm mơ, mận làm ô mai ngay cạnh ruộng lúa

 

Hố ngâm quả làm ô mai dưới đất

 

Sau khi có thông tin về việc một số cửa hàng bán ô mai không có xuất xứ rõ ràng, phóng viên về xã Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), tận mắt xem việc ướp, phơi ô mai.

 

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, nhà bà H (xã Đồng Mai) cơ sở chế biến ô mai lớn. Tìm đến nhà bà H, thấy các công đoạn chế biến ô mai ở ngay ngoài ngõ, tiếp giáp cánh đồng.

 

Theo những hàng xóm của bà H., cơ sở này chỉ mua mận, đào, me từ nơi khác về, thuê nhân công ngâm các loại quả với muối dưới hố, sau đó phơi khô và chở đến bán cho những cơ sở chế biến ô mai.

 

Theo quan sát của phóng viên, nơi sản xuất ô mai của nhà bà H khá rộng, nhưng ở ngay bên vệ đường, tiếp giáp đồng lúa. Theo lời một người phụ nữ đứng tuổi, số mơ, mận đang phơi này mới được vớt từ hố lên, phơi nắng cho teo lại. Ô mai được chia phơi ở hai nơi, cách nhau khoảng chục mét.

 

Nhìn từ xa, ô mai có màu vàng, khá bắt mắt, nhưng khi lại gần, một mùi hăng hắc, chua chua bốc lên. Đảo qua, thấy phần lớn quả mốc xanh, mốc đỏ nằm lăn lóc trên những tấm bạt lấm lem đất cát bên vệ đường.

 

Hố ngâm quả tiền ô mai được đặt ở đầu mảnh đất, rộng khoảng chục mét vuông. Phía dưới được lót nilon xung quanh, trên được lợp fibro xi măng với bốn chiếc cọc. Mặt hố có một số bao tải quây quanh. Giữa hố, bọt, nước váng nổi lên. Miệng hố là một mớ lẫn lộn giữa bao tải, gạch đá, đất cát. Dưới chân hố, nước đen chảy thành dòng.

 

Một phụ nữ đứng tuổi cho biết, những ngày nắng, ô mai ngâm và phơi ngoài đường bốc mùi rất khó ngửi, mặn mặn, nồng nồng. “Ruộng xung quanh chỗ ướp mận này giờ chẳng trồng được lúa nữa, nước muối chảy ra, không trồng, cấy được”.

 

Đi lên một đoạn, hỏi thăm thêm được biết, trong làng vẫn còn một vài cơ sở chế biến ô mai nữa, tuy nhiên, do chưa vào đợt cao điểm, nên chưa mang ra đường, sân vận động để phơi. “Phơi xong, họ sẽ bán cho các cơ sở tẩy trắng, loại bỏ mốc, thêm phụ gia chế biến thành ô mai thành phẩm”, người phụ nữ đứng tuổi nói.

 

Hầu hết người dân nơi đây, khi được hỏi đều cho rằng, không ai dám mua ô mai về ăn cả. “Có ai nhặt nhạnh, phân loại gì đâu. Quả mốc, quả thối đều cho xuống hố hết. Ngâm muối xong lại mang lên phơi, nắng mưa, đất cát, mốc xanh, mốc đỏ thế kia nhìn gớm chết”, một người dân nói.

 

Người này cũng thắc mắc nguyên nhân vì sao, từ những quả mơ, mận ngâm muối ủng, thối thế này, mà khi trở thành ô mai, lại ngon ngọt đến vậy. Phải chăng có sự phù phép hay ngâm tẩm hóa chất?

 

Tràn lan ô mai không rõ xuất xứ

 

Rời xã Đồng Mai, trên đường về, phóng viên rẽ vào chợ Hà Đông. Đến dãy hàng bán bánh kẹo, thấy nhan nhản ô mai được bày bán. Ô mai nằm trong khay, trong hộp, trong túi, đủ cả, tuy nhiên, không thấy bất cứ mặt hàng nào có ghi hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ, tem đảm bảo chất lượng. Hỏi một chủ cửa hàng, chị này cười: “Hết hạn thì nó mốc xanh, mốc đỏ lên chứ sao được thế này? Cứ yên tâm”.

 

Ngày 3/5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh ô mai. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cửa hàng Hùng Ngà (chợ Đồng Xuân, Hà Nội) xuất trình giấy tờ xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, chủ cửa hàng không đưa ra được bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào chứng minh được nguồn gốc số ô mai đang bày bán. Vào một cửa hàng khác, cũng nhận được câu trả lời tương tự. Nhưng khi hỏi về lấy hàng ở đâu, nguồn gốc có đảm bảo không, chủ cửa hàng xua tay, bảo: “Hỏi lắm thế, không mua thì thôi, đi chỗ khác!”.

 

Theo quan sát của phóng viên, các loại ô mai như như mơ, me, chanh bao tử, xí muội, táo tàu, mận xào, giá dao động 30.000 - 80.000 đồng/kg. Nhiều người vẫn tin, mua thường xuyên, chủ yếu là phụ nữ.

 

Tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ô mai được đựng trong những hộp lớn. Mỗi khi có khách hàng, trẻ em mua lẻ, chúng lại được tách ra, bán theo túi nilon, không tem nhãn, hạn sử dụng…

 

Theo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm