Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng về dịch cúm lợn

(Dân trí) - Trưa ngày 27/3, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua rà soát, hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm lợn. Ông Nga cũng đưa ra các khuyến cáo đối với người dân.

Sau cuộc họp sáng nay của đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Nguyễn Huy Nga đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
 
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng về dịch cúm lợn - 1
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - Ảnh: H.Hải

Thưa ông, hiện tình hình cúm lợn trên thế giới rất nóng bỏng. Không riêng gì Mêxicô, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang xảy ra dịch bệnh. Việt Nam có nguy cơ không?

Tôi khẳng định, nguy cơ dịch bệnh lan vào Việt Nam là có vì Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều có sự giao lưu, qua lại.

Ngay sau khi có thông tin về dịch cúm lợn H1N1 xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã chủ động tiến hành rà soát để phát hiện sớm ca bệnh. Đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm cúm lợn H1N1.

Tuy nhiên, chung tôi cũng chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, khuyến cáo cộng đồng khi có dấu hiệu cúm nên đi kiểm tra. Đặc biệt, cần chủ động hỏi những người bị sốt mà có tiền sử vừa đi từ các nước Mêxico, Mỹ, các nước đang xảy ra dịch về để cách ly kịp thời rồi lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi nhấn mạnh, yếu tố hỏi tiền sử người bệnh là rất quan trọng để xác định sớm bệnh.
 
Ngoài ra, dù chưa cấm công dân xuất cảnh đến những nước đang xảy ra dịch trên thế giới nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân nên cân nhắc đi đến những vùng dịch trong thời điểm này.

Việt Nam có khả năng xét nghiệm vi rút cúm lợn H1N1 không, thưa ông?

Các Labo tại Viện Vệ sinh dịch TƯ và Viện Paster TPHCM hoàn toàn có thể tiến hành xét nghiệm được loại vi rút này. Tuy nhiên, thời điểm này chưa thể vì chưa có “mồi” (mẫu nhiễm vi rút lợn H1N1). Tuy nhiên, trong trường hợp không phân tích được, có những yếu tố nghi ngờ, chúng tôi sẽ gửi mẫu sang các phòng xét nghiệm uy tín ở nước ngoài.

Trong cuộc họp sáng nay, chúng tôi cũng đề nghị với WHO khi có những test nhanh, phương pháp chẩn đoán để phát hiện sớm căn bệnh này thì cung cấp sớm cho Việt Nam.

“Chưa thấy có khả năng cúm lợn lây sang người do ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm từ lợn đã được chế biến đúng quy cách. Vi rút cúm lợn bị tiêu diệt khi nấu ở nhiệt độ 70oC. 

Các trường hợp bệnh ở Mỹ không phát hiện có mối liên quan tới lợn", Ông Nguyễn Huy Nga cho biết.

Đây là một loại vi rút mới, vậy WHO đã đưa ra phác đồ điều trị chưa, thưa ông?

Hiện WHO vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phác đồ điều trị vì vi rút này có nguồn gốc từ vi rút lợn của Bắc Mỹ, vi rút lợn của Châu Á, châu Âu và có sự kết hợp với gen của vi rút cúm người, gen của vi rút cúm gia cầm.
 
Tổ chức này cũng thông báo rằng, vi rút cúm lợn vẫn nhạy cảm với Tamiflu. Vì thế, loại thuốc này có tác dụng điều trị hiệu quả. Theo thông báo của WHO, Tamiflu có hiệu quả điều trị tốt, vi rút này vẫn nhạy cảm Tamiflu.

Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân trong thời điểm này?

Để chủ động phòng ngừa, giữ vệ sinh cá nhân, môi trường vẫn là quan trọng nhất. Nó cũng như các bệnh cúm thông thường khác, có nguy cơ lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, khi bị ốm, bị cúm, mỗi người cần ý thức đeo khẩu trang kể cả ở trong nhà, đi ra ngoài để tránh lây người khác. Đặc biệt trong bệnh viện, cán bộ y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân càng phải đeo khẩu trang; đồng thời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh mũi họng.
 
Còn không bị bệnh, khi đi ra ngoài cũng nên đeo khẩu trang để tránh lây cho mình. Người dân cũng nên hạn chế đến nơi đông người và nên đeo khẩu trang thường xuyên.
 
Những người đến Việt Nam từ vùng dịch, trong 7 ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, và mệt mỏi thì phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly, điều trị. 
 

Vắc xin cúm thường không có tác dụng phòng cúm lợn

 

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia: cho biết: Hiện nhiều người dân có ý định đi tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh cúm lợn. Nhưng thực tế, vắc xin hiện nay chỉ có tác dụng miễn dịch với vi rút cúm A/H1N1 thông thường.

 

Còn với cúm lợn A(H1N1) thì chưa có một bằng chứng nào cho thấy vắc xin phòng cúm thường có tác dụng.

 

Trong thông báo số 1 về tình hình dịch cúm lợn A(H1N1) của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cúm lợn mà chỉ có vắc xin phòng cúm mùa. Và cũng chưa một nghiên cứu nào cho thấy khả năng bảo vệ chéo của vắcxin cúm mùa đối với cúm lợn.

 

“Với bất kỳ chủng cúm nào cũng là nguy hiểm vì nó đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… thì mọi người không nên chủ quan, cần đi khám bệnh để điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm", ThS Hà khuyến cáo.

Hồng Hải (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm