1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không khí lạnh tăng cường: Những lưu ý khi tập thể dục buổi sáng

(Dân trí) - Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường. Do đó, khi tập thể dục vào sáng sớm, cần đảm bảo những nguyên tắc an toàn.

Mẹ tôi 60 tuổi, bà có thói quen tập thể dục dưỡng sinh ở bờ hồ lúc 5 rưỡi sáng. Hiện không khí lạnh đang tràn về có giải pháp nào để giúp bà phòng bệnh đường hô hấp, trong khi vẫn có thể duy trì tập thể dục?

(Thanh Thủy, Hà Nội)

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội): Vào giai đoạn giao mùa chúng ta có nguy cơ mắc các bệnh đặc trưng theo mùa. Như mùa đông xuân là các bệnh virus, vi khuẩn đường hô hấp.

Không khí lạnh tăng cường: Những lưu ý khi tập thể dục buổi sáng - 1

Với người cao tuổi, khi tập thể dục vào sáng sớm, những ngày nhiệt độ xuống thấp cần lưu ý những nguyên tắc sau:

-  Khởi động kỹ trong nhà trước khi ra ngoài trời.

-  Khi tập thể dục ngoài trời nên giữ ấm cổ họng, có thể quàng khăn mỏng.

-  Uống đủ nước.

-  Với những ngày nhiệt độ xuống quá thấp (dưới 11 độ C) thì không nên tập thể dục ngoài trời.

Cần lưu ý rằng, ở một số cơ địa đặc biệt ví dụ người mắc bệnh xơ gan, người nghiện rượu, gout mạn tính hoặc các bệnh tự miễn hệ thống… khi mắc các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ nặng hơn so với những người khỏe mạnh.

Những vị trí quan trọng nhất cần giữ ấm là cổ họng và lồng ngực. Bên cạnh đó, nên kết hợp cùng các biện pháp: vệ sinh đường hô hấp, uống đủ nước, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng để có thể phòng bệnh đường hô hấp do virus, vi khuẩn gây ra hiệu quả nhất.  

Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường. Vì vậy, nó làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn, cúm...