Khối u nặng 4kg ngay giữa lồng ngực bệnh nhân

Tú Anh

(Dân trí) - Ngày 2/11, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u trung thất có kích thước khổng lồ cho nữ bệnh nhân 41 tuổi.

Bệnh nhân N.T.M.H. (41 tuổi) vào Bệnh viện Bạch Mai khám do có tình trạng đau tức ngực, khó thở nhiều. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u trung thất khổng lồ nặng hơn 4 kg, chèn lên toàn bộ khoang phổi 2 bên, đẩy tim lên trên khiến bệnh nhân luôn bị rơi vào tình trạng tức ngực, khó thở.

Khối u nặng 4kg ngay giữa lồng ngực bệnh nhân - 1

Khối u trung thất được mổ ra có trọng lượng lên đến 4kg.

ThS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch máu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ sau khi hội chẩn đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u trung thất cho người bệnh.

Khối u được lấy ra nặng 4kg, là tổ chức mỡ, chiếm toàn bộ trung thất và phần dưới khoang màng phổi, ranh giới u tương đối rõ với các tổ chức xung quanh.

Theo BS Khánh, do khối u to, đường mổ lớn nên nguy cơ mất máu, đau sau mổ rất lớn. Ekip gây mê và phẫu thuật đã phải phối hợp và theo dõi sát từng chỉ số huyết động trong mổ, phẫu tích, bảo tồn các cấu trúc mạch máu, thần kinh trong toàn bộ cuộc mổ để hạn chế mất máu mà vẫn lấy trọn khối u lớn, giải phóng hai phổi khỏi bị chèn ép.

U mỡ là u lành tính của mô mỡ và là u lành tính thường gặp nhất ở người lớn. U mỡ chiếm 20% tổng số u lành tính ở mô mềm và hay gặp nhất là u mỡ dưới da. Tuy nhiên, u mỡ trong khoang ngực lại rất hiếm gặp.

Khối u nặng 4kg ngay giữa lồng ngực bệnh nhân - 2

Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật.

Hầu hết những người bị u mỡ trong lồng ngực không có triệu chứng nếu u có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, vì u mỡ có thể phát triển với kích thước khổng lồ, chúng có thể gây ra hiệu ứng áp lực, thay đổi tùy theo vị trí và kích thước của u.

Khi bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở và khó nuốt có thể do có khối u chèn ép cục bộ lên các cấu trúc lân cận như khí quản hoặc thực quản, tim và các bộ phận quan trọng trong khoang ngực.

Với bệnh nhân này, chị bị khó thở là do phổi và tim bị chèn ép bởi kích thước khổng lồ của u mỡ, dẫn đến giảm thể tích phổi. Mặc dù thực tế là u mỡ trong lồng ngực là lành tính về mặt mô bệnh học, nhưng chúng ta cần khám và theo dõi chặt chẽ để xác định sự phát triển cũng như bất kỳ sự tái phát nào.