Khoa học đã làm thay đổi quan điểm trong cai nghiện như thế nào?
(Dân trí) - Trong 40 năm qua, đa phần người Việt vẫn tin rằng nghiện ma tuý là một sự suy đồi về đạo đức và chỉ có thể “quét sạch” bằng cách trừng phạt, cách ly người nghiện khỏi cộng đồng càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, thực tế và khoa học đã chứng minh quan niệm này không hoàn toàn đúng.
Bước ngoặt năm 2008
Năm 1998, tại Phiên họp Đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về vấn đề ma tuý UNGASS, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết về việc “Xóa bỏ hoặc giảm thiểu đáng kể” việc sản xuất và sử dụng bất hợp pháp ma túy trong 1 thập kỷ. Cơ sở của nghị quyết này dựa trên nghiên cứu về hành vi nghiện vốn rất phổ biến lúc bấy giờ: cho người nghiện là những kẻ thiếu đạo đức và ý chí, từ đó có thể điều chỉnh hành vi bằng cưỡng bức, trừng phạt.
10 năm sau, nghị quyết này đã không đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí nhiều nước còn bày tỏ thái độ hết sức lo lắng trước mối đe dọa ngày càng tăng của vấn nạn ma túy toàn cầu.
Việt Nam trước năm 2008 cũng chỉ thu được kết quả tương tự khi có nhiều quan điểm cho rằng nghiện ma tuý có thể chữa khỏi bằng phương pháp cai nghiện còn dư luận tin rằng người nghiện ma tuý mà không bị cưỡng bức vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc thì sẽ chỉ gây hại cho xã hội. Do vậy, mỗi năm các địa phương chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư và mở rộng các trung tâm cai nghiện tập trung.
Đặc biệt sau quá trình thực hiện thí điểm chương trình “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” với thời gian 5 năm (bao gồm 2 năm cai nghiện và 3 năm quản lý sau cai nghiện mang tính cưỡng bức) tại TPHCM (2003-2008) và 6 địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Hà Nội và Bình Dương (từ cuối 2006), đề án thí điểm có quy mô và chi phí lớn bậc nhất này đã gây ra rất nhiều tranh luận và Quốc hội đã thống nhất dừng thực hiện đề án này vì hiệu quả chưa như mục tiêu đề ra, tỉ lệ tái nghiện cao, lại tiêu tốn quá nhiều ngân sách.
BS Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng
Trong khi đó, theo BS Khuất Thị Hải Oanh, GĐ TT Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng, tại Mỹ, từ năm 1999, những khám phá mang tính bước ngoặt về bộ não đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức về hành vi sử dụng ma tuý bắt buộc khi khẳng định rằng: nghiện ma tuý là một căn bệnh ảnh hưởng đến não bộ và hành vi của con người; chỉ ra được nhiều yếu tố sinh học và môi trường cũng những yếu tố di truyền đóng góp vào quá trình khởi đầu và phát triển bệnh. Từ đây, các biện pháp phòng chống và điều trị hiệu quả đã được tham mưu cho chính phủ.
Vào tháng 8/2007, quan niệm “Nghiện (ma túy) là một bệnh tái phát mãn tính của não bộ” này đã được phổ biến tại Hội nghị Quốc tế về Ma tuý tổ chức tại Hà Nội và được Quốc hội Việt Nam công nhận vào tháng 11/2008, làm tiền đề cho kế hoạch đổi mới công tác cai nghiện ma tuý tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020.
Không có phương pháp điều trị duy nhất cho mọi đối tượng
Điều trị cai nghiện ở 1 TT cai nghiện bắt buộc (Ảnh: TTXVN)
Theo ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, với quan niệm nghiện ma tuý là một bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến chức năng của não và hành vi thì sẽ không thể có phương pháp điều trị nào phù hợp cho tất cả mọi người.
Do đó, trong dự án Đổi mới công tác cai nghiện giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, có rất nhiều qua điểm mới về nghiện ma tuý và điều trị nghiện xoay quanh chủ trương “lấy người bệnh làm trung tâm” được xây dựng.
Ví như việc điều trị nghiện không chỉ cần đa dạng về phương pháp (từ dùng thuốc hỗ trợ đến tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm, liệu pháp hành vi), mô hình (điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở điều trị tự nguyện ) mà còn phải chú ý tới nhu cầu của người bệnh (kế hoạch điều trị cho từng cá nhân phải được đánh giá và sửa đổi thường xuyên) và tạo điều kiện để người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị thích hợp tại cộng đồng.
“Còn trách nhiệm của cơ sở cai nghiện là cung cấp dịch vụ đảm bảo cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, ổn định tinh thần cho người bệnh… để sau một thời gian điều trị sẽ đủ sức khỏe, năng lực hành vi để tái hòa nhập cộng đồng, và lao động sản xuất như mọi người bình thường khác”, GS. Chung Á, tổ chuyên gia của Chương trình UBQG phòng chống AIDS và ma túy mại dâm nói.
Và theo GS Chung Á, sau khi điều trị, về xã hội mà tiếp tục có vấn đề tiêu cực do sử dụng ma túy thì người nghiện hoàn toàn có thể quay lại nơi điều trị một cách tự nguyện.
Ủng hộ quan điểm này, bà Doãn Thị Thuận, Vụ trưởng Vụ Báo chí và xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Tình trạng tái nghiện là không thể tránh khỏi nên cai nghiện là cuộc chiến trường kỳ giống như tiểu đường, cao huyết áp... Chúng ta cần phải coi đó là một bệnh mãn tính và điều trị như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác".
Dùng thuốc thay thế - Một trong những bước cai nghiện tại cộng đồng (Ảnh: VOV)
Hiện dự án này đang được thí điểm tại Bắc Giang với 2 điểm tư vấn, điều trị cắt cơn nghiện và quản lý sau cai tại Trạm Y tế xã Cao Thượng (Tân Yên) và Thị trấn Neo (Yên Dũng).
Tại các điểm tư vấn này, những người nghiện tự nguyện đến ký vào bản cam kết cai nghiện và được điều trị trong môi trường mở, tức là họ có thể rời đi bất kỳ lúc nào; người thân, hàng xóm láng giềng, chính quyền đoàn thể hay bất kỳ ai cũng có thể đến chăm sóc, thăm nom người bệnh. Kết quả bước đầu cho thấy, người nghiện đã bước đầu cai nghiện thành công dù có thời điểm bỏ về.
Tất nhiên, với những đối tượng không thể cai nghiện tại cộng đồng, lại có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì toà án sẽ quyết định họ có phải đi điều trị bắt buộc (điều trị cách ly khỏi cộng đồng, bị quản thúc) hay không.
Cuối cùng, một biện pháp khác cũng rất quan trọng góp phần vào thành công của đề án (đẩy lùi ma tuý trong xã hội) là cơ quan chức năng phải có biện pháp để ngăn chặn triệt phá ngay từ nguồn cung cấp.
Nhân Hà
Email: tranthuphuong@dantri.com.vn
Bài 2: Vì sao nghiện ma tuý lại là bệnh mãn tính?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.