Khó xử lý hình sự các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

(Dân trí) - Trong năm 2018, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt nhiều vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không xử lý được hình sự được bất kỳ vụ việc nào do “vướng” quy định.

Theo báo cáo của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Nghệ An, trong năm 2018, đơn vị đã bắt giữ 46 vụ, 46 đối tượng, phá 3 chuyên án liên quan đến vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ quan chức năng thu giữ, tiêu hủy 19 tấn măng tẩm hóa chất, 3,6 tấn sứa biển ngâm hóa chất bảo quản, 6 tạ cà phê không đảm bảo chất lượng, khoảng gần 2 tấn nội tạng, da, thịt động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ; 370 lít dầu ăn thải loại…

Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt vụ 3,5 tấn sứa ngâm hóa chất tại huyện Diễn Châu.
Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt vụ 3,5 tấn sứa ngâm hóa chất tại huyện Diễn Châu.

Cụ thể, vào hồi 8h, ngày 9/5, tại cơ sở chế biến sứa biển của bà Nguyễn Thị Nga (SN 1965, trú xã Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An), lực lượng chức năng phát hiện 500 thùng sứa có trọng lượng 3,5 tấn đã đóng gói, 100kg sứa đang trong quá trình chế biến và 40kg hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo lời khai của chủ cơ sở nói trên thì số hóa chất này được mua từ Trung Quốc, không rõ nhãn mác, được dùng làm sứa được cứng, bảo quản lâu hơn.

Trước đó, lực lượng chức năng đã thu giữ 19 tấn măng và 2 hộp bột màu trắng dùng để tẩy sạch măng không rõ nguồn gốc tại cơ sở chế biến măng tươi của gia đình ông Hồ Khắc Ngọc Tân (SN 1991, trú phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An). Ông Tân cho biết số măng này được nhập từ các thương lái miền Tây Nghệ An. Khi đưa về được ngâm với hóa chất để tẩy trắng trước khi bán cho các đại lý, thương lái chợ Vinh và các huyện phụ cận.

19 tấn măng được tẩy trắng bằng hóa chất chuẩn bị được đưa ra thị trường thì bị cảnh sát môi trường phát hiện.
19 tấn măng được tẩy trắng bằng hóa chất chuẩn bị được đưa ra thị trường thì bị cảnh sát môi trường phát hiện.

Theo Thượng tá Đào Duy Chiến, Phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Nghệ An, đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm “bẩn” ngày càng tinh vi, bởi vậy công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả khi bắt giữ được tang vật, người vi phạm thì việc xử lý hình sự cũng khó thực hiện. Thậm chí trong thời gian qua, liên quan đến các hoạt động sản xuất, mua bán, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” cơ quan cảnh sát điều tra không đủ cơ sở để khởi tố hình sự một vụ nào.

“Đơn cử như vụ bắt 3,6 tấn sứa ngâm hóa chất và 600kg cà phê không đảm bảo chất lượng, các đối tượng đều khai nhận có sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để bảo quản. Muốn biết rõ loại chất cấm nào đã được sử dụng thì phải mang ra Trung ương để kiểm nghiệm. Mỗi mẫu có hàng trăm thông số, chúng tôi không thể đề nghị kiểm nghiệm tất cả thông số này được bởi kinh phí không cho phép.

Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.
Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn".

Do vậy, chúng tôi phải “bắn đạn ria”, nghĩa là dự báo loại hóa chất cấm nào có trong sản phẩm rồi “khoanh vùng”, yêu cầu kiểm nghiệm loại hóa chất đó. Mà những hóa chất chúng tôi yêu cầu kiểm nghiệm lại không tìm thấy trong các mẫu, do đó không có căn cứ để xử lý hình sự các đối tượng liên quan”, Thượng tá Chiến cho hay.

Khoản a, điểm 1, Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 ghi rõ cơ sở để xử lý hình sự từ 1 đến 5 năm tù đối với “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” là “Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm”.

Khi làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng đều cho rằng, thấy hóa chất được bán trôi nổi trên thị trường, có tác dụng làm thực phẩm tươi, ngon, bảo quản được lâu… thì mua về để sử dụng, hoàn toàn không biết đó là chất cấm. Do vậy, cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để xử lý hình sự vụ việc và phải chuyển sang xử lý hành chính.

Mức xử lý hành chính kịch khung đối với vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 là 500 triệu đồng. Con số này dường như không thấm vào đâu so với số lợi nhuận thu được do vậy không tránh khỏi việc các đối tượng bất chấp quy định, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng để tiếp tục sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Thượng tá Đào Duy Chiến: Trong năm 2018, đơn vị phá 3 chuyên án, bắt 46 vụ, 46 đối tượng liên quan đến vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng không xử lý hình sự được vụ án nào.
Thượng tá Đào Duy Chiến: Trong năm 2018, đơn vị phá 3 chuyên án, bắt 46 vụ, 46 đối tượng liên quan đến vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng không xử lý hình sự được vụ án nào.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là hầu hết đều thực hiện bằng mắt thường, chưa được trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ việc kiểm tra tại chỗ. Nếu có nghi ngờ về loại thực phẩm nào đó sử dụng hóa chất, cơ quan chức năng sẽ test nhanh và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, với thị trường thực phẩm đa dạng về chủng loại và có số lượng lớn thì việc test nhanh để biết có tồn dư chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép là điều hoàn toàn không dễ dàng.

Theo Thượng tá Đào Duy Chiến, đấu tranh với thực phẩm “bẩn” cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn từ chính quyền địa phương các cấp, các sở ban ngành có liên quan. Bên cạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, cần đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh với thực phẩm “bẩn” đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

“Đặc biệt là người dân cần phải là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn cho gia đình. Hình thành thói quen mua thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng dù giá cả có cao hơn. Không để vì tiếc 1 đồng tiền thực phẩm sạch nhưng phải mất đến 10 đồng cho chi phí chữa bệnh”, Thượng tá Chiến nói.

Hoàng Lam