Khi nào nên tầm soát ung thư gan?

Tú Anh

(Dân trí) - Vượt qua ung thư phổi, ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta. Các bệnh nhân ung thư gan thường phát hiện muộn do triệu chứng không rõ ràng, nên tỉ lệ tử vong cao.

Khi nào nên tầm soát ung thư gan? - 1
 

Giai đoạn sớm của ung thư gan thường không có dấu hiệu rõ ràng, người bệnh thường ít chú ý.

Trong khi đó, đây là căn bệnh có thể tầm soát đơn giản, không độc hại, rẻ tiền bằng phương pháp siêu âm.

Chuyên gia bệnh viện K khuyến cáo nên thực hiện tầm soát bằng siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần đối với người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C, …). Qua siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện được các khối u tương đối nhỏ. 

Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết gan…

Được phát hiện sớm, ung thư gan có thể điều trị hiệu quả, với nhiều phương pháp như: Phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...

Ngoài việc siêu âm gan định kỳ, mỗi người cần chú ý đến triệu chứng của cơ thể.

Với ung thư gan giai đoạn sớm có thể gặp các triệu chứng giống bệnh viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:

- Chán ăn

- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP)

- Trướng bụng.

- Vàng da, củng mạc mắt …

Khi nào nên tầm soát ung thư gan? - 2
 

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:

- Sụt cân

- Buồn nôn, nôn

- Mệt mỏi

- Chán ăn

- Trướng bụng

- Đau, nặng tức vùng HSP

- Ngứa

- Vàng da, củng mạc mắt

- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.