1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kháng sinh không phải ‘thuốc tiên’ cho mọi bệnh nhiễm trùng

(Dân trí) - Một số bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng như hơi sốt, ho đã tự mua thuốc kháng sinh. Thực tế nhiều trường hợp viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản cấp không cần phải uống kháng sinh.

Ngày 21/11, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng hội Y học Việt Nam… tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế Thế giới phát động hằng năm trên toàn thế giới.   

Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại. Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi.  

Kháng sinh không phải ‘thuốc tiên’ cho mọi bệnh nhiễm trùng - 1

Các chuyên gia kêu gọi người dân chỉ mua kháng sinh theo đơn, uống đúng theo chỉ dẫn, bác sĩ chỉ kê đơn kháng sinh khi cần thiết. 

Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng. 

Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc. 

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa, Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê thừa nhận có hiện tượng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng. Tại các cơ sở y tế khi bình bệnh án vẫn có trường hợp đáng nhẽ dùng một kháng sinh, bác sĩ lại chỉ định dùng 2… 

Bên cạnh đó còn một khiếm khuyết nữa là dù có quy định cấm bán thuốc, đặc biệt là kháng sinh khi không có đơn thuốc nhưng hiệu thuốc vẫn bán kháng sinh mà không cần đơn. 

“Chỉ định sai tại bệnh viện là có nhưng ít”, Cục trưởng Khuê nói. 

Kháng sinh không phải ‘thuốc tiên’ cho mọi bệnh nhiễm trùng - 2

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Chung nhận định này, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai cho biết một số bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng như hơi sốt, hơi ho đã ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh. Có người lại dùng lại đơn cũ cách đây 3-4 năm. Nhiều người ra hiệu thuốc kể bệnh, người bán thuốc tự động bán thuốc cho, thông thường bao giờ cũng kèm thuốc kháng sinh. 

Theo ông, việc tự mua thuốc như trên có thể không phù hợp về liều, về thuốc so với mặt bệnh… Chẳng hạn một liều cần uống 3g/ngày song người bệnh chỉ uống một nửa liều. 

"Điều nguy hiểm là khi uống kháng sinh mà không đủ liều sẽ dẫn tới việc vi khuẩn thích nghi dần và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Thậm chí có bệnh nhân mới uống được 2-3 ngày thấy đỡ bệnh đã tự ý ngưng sử dụng kháng sinh", GS Châu chia sẻ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến sĩ Albert T.Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh “Kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho các bệnh truyền nhiễm ở động vật. Người nông dân, người bán thuốc và ngay cả bác sĩ thú y cần nhận thức rõ hơn về những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

“Chúng ta không còn thời gian nữa. Đây là thời điểm để tiến hành các biện pháp phòng chống kháng thuốc kháng sinh để bảo tồn kháng sinh còn hiệu lực trong tương lai”, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam kêu gọi. 

Tình hình kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tỉ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. 

Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại siêu vi khuẩn đa kháng thuốc.

Vì thế, người dân chỉ nên mua kháng sinh theo đơn của bác sĩ và sử dụng đúng theo hướng dẫn. Các y bác sĩ tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết. Việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. 

Nam Phương