Bác sĩ lo lắng tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam
(Dân trí) - Với bệnh nhân nhiễm vi khuẩn toàn kháng kháng sinh sẽ không còn loại kháng sinh nào có thể tiêu diệt chúng. Việc điều trị chỉ còn cách nâng cao thể trạng, hi vọng sức đề kháng của bệnh nhân tự chiến đấu với vi khuẩn này.
Bên lề khóa học nhằm nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm mới diễn ra tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đoàn Mai Phương, Nguyên trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi khuẩn kháng kháng sinh là mối quan tâm cả thế giới. Ở Việt Nam, mức độ kháng kháng sinh tăng lên nhanh chóng.
Ước tính có 700.000 người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới do kháng thuốc; cho đến năm 2050, nếu không có can thiệp để kiểm soát kháng kháng sinh thì ước tính con số này sẽ tăng lên đến 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm.
“Vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên), kháng mở rộng (kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ), toàn kháng (là kháng nốt cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị con vi khuẩn này) chúng ta đều đã từng gặp ở Việt Nam. Trong đó, vi khuẩn toàn kháng là nguy hiểm nhất, chúng ta sẽ không còn loại kháng sinh nào để điều trị cho bệnh nhân, chỉ có thể chờ đợi vào sức đề kháng của bệnh nhân để chống lại vi khuẩn này”, PGS Mai Phương cho biết.
Hay với khuẩn E.coli đã kháng với loại kháng sinh mạnh vốn được coi là “vũ khí cuối cùng” để điều trị. Đáng nói, tỉ lệ kháng kháng sinh của con vi khuẩn này hiện là 30 – 40%. “Nếu chúng ta không kiểm soát được, việc lan truyền giữa vi khuẩn này, vi khuẩn khác, lan truyền các gen kháng kháng sinh sẽ tăng lên nhanh chóng”, PGS Phương nói.
Các loại vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng gặp nhiều ở các phòng điều trị tích cực, ở bệnh viện tuyến cuối.
“Bởi kháng kháng sinh là hiện tượng vi khuẩn không còn chịu tác động khi bác sĩ sử dụng kháng sinh để điều trị, dẫn đến bệnh nhân không khỏi bệnh và bệnh viện tuyến dưới sẽ chuyển lên tuyến trên. Đây là lý do các ca kháng kháng sinh thường gặp ở bệnh viện tuyến cuối”, PGS Mai Phương nói.
Theo PGS Mai Phương, để xác định loại vi khuẩn kháng thuốc, hay sử dụng liều không đúng dẫn đến lâu khỏi bệnh, câu hỏi này chỉ phòng xét nghiệm vi sinh trả lời được. Bởi tại phòng xét nghiệm vi sinh sẽ là nơi làm kháng sinh đồ để trả lời vi khuẩn có kháng thuốc hay không.
"Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, dựa trên các bằng chứng khoa học ở phòng xét nghiệm vi sinh. Bởi sau khi có kết quả kháng sinh đồ và thông báo cho bác sĩ, bác sĩ sẽ tiến hành cách ly bệnh nhân, không để vi khuẩn kháng thuốc lây lan sang các bệnh nhân khác, theo đó mức độ kháng kháng sinh không thể lan rộng và sẽ kéo dài được tuổi thọ các loại kháng sinh điều trị", PGS Mai Phương cho biết.
Khóa đào tạo đánh giá viên đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh bằng AMR Scorecard tại Bệnh viện Bạch hướng mục tiêu đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm vi sinh lâm sàng nhằm cải thiện việc sử dụng các xét nghiệm phù hợp chỉ dẫn cho việc quản lý bệnh nhân, và tối ưu hóa việc phát hiện và giám sát tình trạng kháng thuốc tại các bệnh viện và các phòng xét nghiệm.
Khi chuẩn hóa theo bảng kiểm có sẵn sẽ đánh giá được phòng xét nghiệm vi sinh đang ở mức độ nào, từ đó đưa ra hướng cải tiến chất lượng phòng xét nghiệm cho đến mức hoàn thiện nhất.
Khoa đào tạo có học viên đến từ 7 bệnh viện từ miền bắc, miền trung và miền nam Việt Nam, và trường y Government Medical College, Aurangabad, Ấn Độ.
“Bảng kiểm AMR là một công cụ hữu dụng và đơn giản, có ích ngay cả với việc thiết lập, sắp xếp phòng xét nghiệm. Bảng kiểm có mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm vi sinh lâm sàng nhằm dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và trong phòng xét nghiệm”, TS. BS. Phạm Hồng Nhung, Phó khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai, Phó Bộ môn Vi sinh, Đại học Y Hà Nội cho biết.
Việc triển khai áp dụng bảng kiểm đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh sẽ cho kết quả có thể đo lường được, điều này sẽ có tác động đến tình trạng kháng kháng sinh, bao gồm sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán một cách tốt hơn để quản lý bệnh nhân, giúp cho việc cải thiện chăm sóc bệnh nhân, và giảm kê đơn kháng sinh không phù hợp.
Hồng Hải