Khàn tiếng, nuốt nghẹn: Triệu chứng dễ bỏ qua của bệnh nguy hiểm

Minh Nhật

(Dân trí) - Tùy thuộc vào vị trí u xuất hiện ban đầu mà triệu chứng khác nhau, tuy nhiên bệnh nhân thường đến viện khi khối u đã lan rộng nên gặp khó khăn trong việc xác định vị trí khối u ban đầu xuất hiện.

Thanh quản là một đoạn của hệ hô hấp nằm ngay bên dưới nơi đường hầu họng tách ra thành khí quản và thực quản, nối yết hầu với khí quản nằm ở phần trước của cổ.

Thanh quản có vai trò trong việc thở, nuốt và nói. Ung thư thanh quản là loại ung thư xuất phát từ bất cứ thành phần nào của thanh quản. Theo GLOBOCAN, trên thế giới hàng năm có 184.615 ca mắc mới và 99.840 ca tử vong vì ung thư thanh quản.

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư thanh quản?

Khàn tiếng, nuốt nghẹn: Triệu chứng dễ bỏ qua của bệnh nguy hiểm - 1

Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, các yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản nói riêng cũng tương tự như các yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô vảy vùng đầu cổ nói chung, bao gồm:

- Thuốc lá, rượu.

- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Thợ sơn, thợ cơ khí, sản xuất đồ nhựa, tiếp xúc thường xuyên với diesel, khói dầu khí…

- Tổn thương tiền ung thư: Bạch sản, u nhú thanh quản thể đảo ngược, loạn sản thanh quản.

- Vi sinh vật: Nhiễm virus u nhú ở người (HPV), Herpes simplex virus (HSV)

- Các yếu tố dinh dưỡng: Thiếu sắt, vitamin C…

Triệu chứng lâm sàng cảnh báo ung thư thanh quản 

Tùy thuộc vào vị trí u xuất hiện ban đầu mà triệu chứng khác nhau, tuy nhiên bệnh nhân thường đến viện khi khối u đã lan rộng nên gặp khó khăn trong việc xác định vị trí khối u ban đầu xuất hiện.

- Khàn tiếng: Khàn tiếng kéo dài, ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng. 

- Nuốt vướng: Cảm giác như có dị vật ở bên trong.

- Nuốt nghẹn, nuốt đau tăng dần.

- Khó thở: Khi khối u lớn chèn ép thanh môn.

Các triệu chứng này có thể do ung thư gây ra nhưng cũng có thể do các bệnh lành tính khác. Những bệnh sau đây hay gặp có triệu chứng giống với ung thư thanh quản:

Viêm thanh quản: Thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát. 

Các khối u lành tính của thanh quản: Hạt xơ, u xơ thanh quản, u nhú, u nang thanh quản: Các khối u này làm cho 2 dây thanh đóng không kín gây khàn tiếng cũng như cảm giác có dị vật, nuốt vướng.

Điều trị ung thư thanh quản như thế nào?

Điều trị ung thư thanh quản là điều trị đa mô thức gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, điều trị miễn dịch.

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: giai đoạn bệnh, tuổi, thể trạng, khả năng của cơ sở điều trị cũng như sự lựa chọn của bệnh nhân. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm